Chàm môi: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Cập nhật: 01/04/2024 Theo dõi trên goole news

Da môi nổi mụn nước, dát đỏ, chảy dịch hay khô, bong tróc đi kèm với ngứa ngáy là những triệu chứng đặc trưng của bệnh chàm môi. Bệnh lý này có tính chất dai dẳng và dễ tái phát nên gây ra nhiều phiền toái, tạo tâm lý e ngại và thiếu tự tin trong giao tiếp. Tuy nhiên nếu can thiệp điều trị sớm và chăm sóc đúng cách thì các triệu chứng của bệnh sẽ được kiểm soát nhanh chóng.

Bệnh chàm môi là gì? Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết

Bệnh chàm môi hay còn được gọi là viêm môi do chàm – một thể bệnh da liễu mãn tính đặc trưng bởi các tình trạng nổi ban đỏ, xuất hiện mụn nước nhỏ dễ vỡ, chảy dịch, đóng vảy tiết hay gây khô và bong tróc môi. Cùng với đó là sự kích hoạt của những cơn ngứa ngáy, châm chích rất khó chịu trên vùng da môi đang bị tổn thương.

Tình trạng bệnh thường có xu hướng dai dẳng, dễ tái phát nên không chỉ tác động tiêu cực tới chất lượng cuộc sống mà còn ảnh hưởng đến cả ngoại hình. Cũng giống như bệnh chàm xuất hiện ở các vùng da khác, chàm môi thường khởi phát theo từng giai đoạn, cứ thuyên giảm rồi lại bùng phát.

chàm môi
Chàm môi là bệnh lý mãn tính thường kéo dài dai dẳng và dễ tái phát

Theo nhận định từ các chuyên gia, bệnh chàm môi có thể kích hoạt ở 3 thể thường gặp sau đây:

  • Chàm môi tiếp xúc dị ứng: Thường kích hoạt ở những người có bờ môi nhạy cảm, dễ bị dị ứng với son môi, kem đánh răng hay thuốc…
  • Chàm môi tiếp xúc kích ứng: Xuất hiện khi da môi tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng như thay đổi thời tiết, ánh sáng, mỹ phẩm, dị nguyên trong không khí… Các yếu tố này sẽ khiến cho da môi bị mất nước, giảm sức đề kháng tạo điều kiện cho triệu chứng bùng phát.
  • Chàm môi bong vảy: Đây là thể bệnh khá phổ biến đặc trưng bởi hiện tượng môi bị bong tróc nhiều vảy và có xu hướng tái phát nhiều lần. Thể bệnh này thường tự phát và đa phần không xác định được nguyên nhân cụ thể.

1. Các nguyên nhân gây chàm môi

Cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa thể xác định rõ nguyên nhân gây ra bệnh chàm môi. Tuy nhiên, thống kê ghi nhận rằng, đa phần các ca bệnh thường phát sinh sau khi tiếp xúc với các chất kích thích hay bùng phát ngay khi xuất hiện phản ứng dị ứng.

Bệnh có thể khởi phát khi có sự cộng hưởng từ một số nguyên nhân cùng yếu tố rủi ro dưới đây:

  • Thay đổi thời tiết: Sự thay đổi đột ngột của các yếu tố thời tiết thường khiến cho da môi bị kích thích. Từ đó làm phát sinh tình trạng sản sinh kháng nguyên, gây ra sự bùng phát của nhiều triệu chứng trên da.
  • Tiếp xúc với các tác nhân gây kích thích: Sử dụng son môi, kem đánh răng, dùng thuốc, nước súc miệng hay ăn các thực phẩm dễ gây dị ứng… cũng được cho là có liên quan đến sự xuất hiện bệnh viêm môi do chàm.
  • Yếu tố tâm lý: Thường xuyên căng thẳng, stress là yếu tố tác động trực tiếp tới cơ chế hình thành cũng như diễn tiến của bệnh chàm môi. Bệnh lý này rất dễ bùng phát và lan tỏa trên diện rộng khi thần kinh bị căng thẳng.
  • Tiền sử bệnh lý: Những người có tiền sử cá nhân và người thân cận huyết mắc các bệnh chàm, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa, hen suyễn… thì thường có nguy cơ mắc bệnh chàm môi cao hơn.
  • Rối loạn nồng độ hormone: Các chuyên gia Da liễu nhận định, sự thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể là yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh chàm môi bùng phát mạnh mẽ hơn.

Ngoài ra, bệnh còn liên quan đến một số yếu tố khác như thói quen liếm môi hay thường xuyên hút thuốc lá. Bên cạnh đó, những người mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp hay các bệnh lý suy giảm miễn dịch như tiểu đường hay nhiễm HIV thì nguy cơ bị bệnh chàm môi cũng tăng lên.

2. Triệu chứng nhận biết

Bệnh có thể làm phát sinh các triệu chứng ở cả môi trên và môi dưới, xảy ra ở bên ngoài hay phát sinh ngay trên vùng da môi. Bạn có thể dựa vào các triệu chứng dưới đây để nhận biết tình trạng viêm môi là do bệnh chàm gây ra:

  • Da môi và khu vực da xung quanh môi có xu hướng đỏ lên
  • Có mụn nước nhỏ xuất hiện, dễ vỡ, gây chảy dịch và trợt loét
  • Sau đó da môi thường bị đóng vảy tiết và trở nên khô ráp
  • Tổn thương có thể nứt ra và bong vảy
  • Đi kèm với tổn thương trên da môi là tình trạng ngứa ngáy dai dẳng, đau rát rất khó chịu
viêm môi do chàm
Nhiều trường hợp, tổn thương do chàm còn xuất hiện xung quanh viền môi

Những triệu chứng trên đây thường có xu hướng bùng phát mạnh nhưng lại xen kẽ với các giai đoạn bệnh thuyên giảm. Bệnh không chỉ dai dẳng, dễ tái phát mà trong nhiều trường hợp còn có thể phát triển suốt cả cuộc đời khiến cho chất lượng cuộc sống suy giảm mạnh.

Chàm môi có lây không? Có nguy hiểm không?

Các chuyên gia nhận định rằng, cơ chế hình thành chàm môi có sự liên quan mật thiết với các yếu tố cơ địa và di truyền, cộng hưởng với các yếu tố nội/ngoại sinh khác. Chính vì thế mà bệnh không có tính chất lây nhiễm ngay cả khi hôn môi hay dùng chung các vật dụng với người bệnh. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, trong một số trường hợp có xuất hiện bội nhiễm hay bệnh phát sinh do nhiễm trùng đường hô hấp thì virus và vi khuẩn có thể lây nhiễm khi tiếp xúc thông thường.

Những tổn thương trên da do bệnh chàm môi gây ra thường không nguy hiểm nếu được can thiệp khắc phục sớm. Nhưng trong một số trường hợp, chăm sóc và điều trị sai cách có thể làm phát sinh bội nhiễm. Lúc này tổn thương da thường có xu hướng nặng nề, nghiêm trọng và rất khó khắc phục.

Các giải pháp điều trị cho bệnh chàm môi

Tùy thuộc vào các yếu tố nguyên nhân liên quan cùng với biểu hiện của các triệu chứng trên da mà sẽ có cách điều trị phù hợp với bệnh chàm môi. Dưới đây là những phương án có thể đáp ứng với bệnh lý này:

1. Thường xuyên dưỡng ẩm môi

Các triệu chứng chàm môi thường có xu hướng bùng phát mạnh mẽ hơn khi da môi bị mất nước, khô ráp và giảm sức đề kháng. Chính vì thế, để hỗ trợ cải thiện triệu chứng cũng như giúp giảm nhẹ tổn thương da thì bạn nên chú ý đến việc dưỡng ẩm cho bờ môi.

Chăm chỉ dưỡng ẩm sẽ giúp làm dịu da môi, giảm bong tróc, ngứa ngáy, đồng thời cải thiện hiện tượng viêm. Khi được cấp ẩm đầy đủ thì bờ môi của bạn sẽ có thể phục hồi hàng rào bảo vệ và giảm nguy cơ gặp phải tình trạng dị ứng.

Một số sản phẩm dưỡng môi có chứa các thành phần đơn giản và lành tính như Vaseline hay Bioderma thường được bác sĩ khuyên dùng. Bên cạnh đó, các loại kem dưỡng an toàn khác như La Roche-Posay Vitamin B5 cũng có thể được chỉ định.

2. Áp dụng các mẹo chữa tự nhiên tại nhà

Trường hợp tổn thương trên da môi kích hoạt ở mức độ nhẹ thì bạn có thể sử dụng một số mẹo điều trị tại nhà bằng thảo dược tự nhiên. Các liệu pháp dưới đây không chỉ có tác dụng tăng cường độ ẩm cho da môi mà còn thúc đẩy nhanh chóng hơn quá trình tái tạo các tế bào da mới.

Mẹo chữa tự nhiên tại nhà có thể đáp ứng triệu chứng chàm môi bao gồm:

  • Sử dụng gel lô hội:

Nguyên liệu này có tác dụng dưỡng ẩm cũng như làm dịu da rất nhanh chóng. Chỉ cần thoa 1 lớp mỏng nhẹ gel lô hội lên da môi và để yên trong khoảng 15 phút. Sau đó dùng nước sạch rửa lại để giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh chàm môi.

  • Dùng dầu dừa:

Hàm lượng acid béo cao trong dầu dừa rất hữu ích với việc làm dịu da và giảm bong tróc. Đồng thời có thể củng cố vững chắc hơn hàng rào bảo vệ da môi khỏi những tác nhân gây hại. Ngoài ra, hàm lượng acid lauric trong nguyên liệu này còn giúp làm giảm nguy cơ bội nhiễm nhờ vào khả năng ức chế tụ cầu khuẩn và nấm Candida.

  • Sử dụng mật ong:

Mật ong có khả năng diệt khuẩn và làm mềm môi rất tốt nên có thể khắc phục các triệu chứng viêm môi do chàm. Chỉ cần chuẩn bị vài giọt mật ong rồi thoa 1 lớp mỏng nhẹ lên môi và rửa lại bằng nước ấm sau 30 phút.

  • Dùng lá trầu không:

Các thành phần sát khuẩn và kháng viêm trong lá trầu không cũng được cho là có thể đáp ứng tốt với triệu chứng bệnh chàm môi và ngăn ngừa nguy cơ bội nhiễm. Cần vài lá trầu không rửa sạch với nước muối rồi cho vào cối giã nát. Lấy bông thấm vào dịch ép rồi bôi lên môi nhiều lần và rửa lại sau 30 phút. Với cách này chỉ nên áp dụng 2 – 3 lần/tuần.

3. Điều trị bệnh chàm môi bằng thuốc

Trong các trường hợp bệnh chàm môi gây ngứa dữ dội và viêm nhiều thì việc sử dụng thuốc là rất cần thiết. Dưới đây là một số loại thuốc uống và thuốc bôi được dùng phổ biến:

  • Corticoid dạng bôi: Đây được cho là thuốc điều trị chính cho bệnh chàm môi với tác dụng chống dị ứng và chống viêm rất tốt. Có thể dùng thuốc bôi trực tiếp lên da môi nhưng không được lạm dụng bôi quá nhiều hay kéo dài. Corticoid dạng bôi chỉ được dùng khoảng 1 – 2 tuần. Nếu dùng kéo dài chúng có thể gây ra các tác dụng phụ như làm mỏng da hay giãn mao mạch.
  • Thuốc kháng histamine H1: Các thuốc thuộc nhóm này có tác dụng chống dị ứng nhờ khả năng ức chế chất trung gian histamine. Nhờ đó mà có thể khắc phục tốt các triệu chứng ngứa ngáy hay nóng rát mà bệnh chàm môi gây ra.
  • Thuốc ức chế calcineurin: Sẽ được chỉ định thay thế trong trường hợp Corticoid dạng bôi không thể cải thiện được tổn thương trên da môi. Ưu điểm của loại thuốc này là hầu như không gây ra các tình trạng mỏng da hoặc giãn mao mạch.
  • Thuốc kháng sinh và kháng nấm: Trong trường hợp tổn thương da môi do chàm có nguy cơ bội nhiễm cao do vi khuẩn và vi nấm thì bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định các loại thuốc thuộc nhóm này.
điều trị viêm môi do chàm
Khi bị viêm nhiễm nặng thì việc dùng thuốc bôi tại chỗ là cần thiết

Cần lưu ý, tất cả các loại thuốc trên phải được dùng theo chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không tự ý thay đổi kế hoạch dùng thuốc trong bất cứ trường hợp nào. Nếu phát hiện những bất thường phát sinh, hãy báo ngay cho bác sĩ để nhận được sự điều chỉnh phù hợp.

Biện pháp ngăn ngừa bệnh chàm môi bùng phát

Bệnh chàm môi thường có xu hướng kéo dài dai dẳng và rất dễ tái phát. Điều này khiến người bệnh phải đối diện với các triệu chứng khó chịu trong thời gian dài, ảnh hưởng trực tiếp đến ngoại hình cũng như chất lượng cuộc sống.

Bên cạnh việc điều trị thì người bệnh cần chú ý đến các biện pháp phòng ngừa dưới đây:

  • Từ bỏ dần thói quen hay liếm môi, đồng thời tránh việc dùng tay gãi hay chà xát lên da môi. Bởi chúng có thể gây chảy máu và làm tăng nguy cơ phát sinh bội nhiễm.
  • Giữ vệ sinh da môi và da mặt sạch sẽ, khi tổn thương bình thường trở lại hãy chú ý tẩy tế bào chết cho môi thường xuyên.
  • Có thể tham khảo bác sĩ để được tư vấn về các sản phẩm dưỡng môi lành tính, tránh gây dị ứng.
  • Hạn chế ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như đậu phộng, hải sản, lúa mì… nhất là khi bạn có tiền sử bị dị ứng hay chàm môi.
  • Không hút thuốc lá, đồng thời tránh hít phải khói thuốc lá thụ động.
  • Bổ sung đủ nước, xây dựng chế độ ăn khoa học để nâng cao đề kháng và khả năng miễn dịch cho cơ thể. Từ đó có thể điều hòa nồng độ nội tiết, giảm nguy cơ bệnh chàm môi tái phát.
  • Khi mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cần điều trị triệt để và chủ động hơn với công tác phòng ngừa.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi, ngủ đúng giờ đủ giấc, không nên làm việc quá sức và chú ý tập luyện thể dục mỗi ngày để kiểm soát tốt căng thẳng.

Bệnh chàm môi mặc dù không nguy hiểm nhưng lại kéo dài dai dẳng, dễ tái phát và có thể gặp phải ở bất cứ đối tượng nào. Chính vì thế khi nhận thấy các triệu chứng bệnh xuất hiện, tốt nhất bạn nên chủ động thăm khám để được hướng dẫn điều trị. Cùng với đó, thực hiện chăm sóc tốt để ngăn ngừa bội nhiễm và thúc đẩy quá trình trị bệnh diễn ra nhanh chóng hơn.

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

EMC Đã kết nối EMC