Hướng dẫn chữa bệnh tổ đỉa bằng lá trầu không đúng cách

Cập nhật: 02/04/2024

Mẹo chữa bệnh tổ đỉa bằng lá trầu không thường được áp dụng khi tổn thương da có mức độ nhẹ và chưa phát sinh bội nhiễm. Thực hiện mẹo chữa này thường xuyên có thể đẩy lùi triệu chứng ngứa ngáy, giảm mụn nước và hạn chế tình trạng viêm nhiễm. 

Dùng lá trầu không chữa bệnh tổ đỉa hiệu quả không?

Lá trầu không (lá trầu) là vị thuốc Nam quen thuộc với người Việt. Trầu không có vị cay, mùi thơm nồng và tính ấm. Theo lưu truyền từ dân gian, trầu không có tác dụng khu phong tán hàn, chống ngứa, hành khí, chỉ thống (giảm đau) và làm săn da (giúp vết thương nhanh lành, giảm lở loét).

Với những tác dụng kể trên, vị thuốc này được ứng dụng trong bài thuốc chữa bệnh đau họng, phong thấp gây đau nhức xương khớp, táo bón, đau đầu và một số bệnh da liễu như mề đay mẩn ngứa, viêm da cơ địa và chàm tổ đỉa.

Chàm tổ đỉa là thể đặc biệt của chứng thấp chẩn (bệnh chàm eczema). Bệnh lý này gây ra các nốt mụn nước sâu, cứng, khó vỡ khu trú ở lòng bàn tay và bàn chân. Ngoài thương tổn da, tổ đỉa còn gây ngứa ngáy từ âm ỉ đến dữ dội.

 chữa bệnh tổ đỉa bằng lá trầu không
Lá trầu có thể làm tiêu mụn nước, ức chế vi khuẩn và nấm men gây hại trên da

Với đặc tính chống ngứa và làm săn da, lá trầu không có thể làm tiêu mụn nước, giảm mức độ ngứa ngáy và giúp vết thương nhanh lành. Bên cạnh đó, nghiên cứu từ y học hiện đại còn cho thấy dịch chiết từ thảo dược có tác dụng kháng sinh mạnh đối với trực trùng coli và tụ cẩu khuẩn – hai chủng vi khuẩn thường gây nhiễm trùng da.

Chính vì vậy dùng lá trầu chữa bệnh tổ đỉa còn giúp sát trùng da va giảm nguy cơ bội nhiễm vùng da thương tổn.

Tác dụng điều trị tổ đỉa của lá trầu không chỉ được lưu truyền trong phạm vi nhân dân mà còn được chứng minh trên cơ sở khoa học. Tuy nhiên mẹo chữa này thường chậm phát huy tác dụng nên thường được ưu tiên áp dụng trong trường hợp bệnh nhẹ đến trung bình.

Với những trường hợp tổ đỉa bội nhiễm hoặc mụn nước vỡ gây lở loét nghiêm trọng, cần sử dụng thuốc Tây theo hướng dẫn của bác sĩ để ngăn ngừa các biến chứng nặng nề.

5 Cách chữa bệnh tổ đỉa bằng lá trầu không

Để cải thiện các triệu chứng của bệnh tổ đỉa, bạn có thể dùng nước trầu không ngâm rửa, đắp lá trầu sao nóng hoặc kết hợp thảo dược này với muối biển, phèn chua hoặc củ gừng.

1. Ngâm nước sắc lá trầu không giảm ngứa

Trong giai đoạn khởi phát, các mụn nước ở lòng bàn tay/ bàn chân thường gây ngứa nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và chất lượng giấc ngủ. Với tình trạng này, có thể dùng nước sắc từ lá trầu ngâm rửa chân/ tay nhằm giảm ngứa và làm mềm da.

Bên cạnh đó, biện pháp này còn giúp làm sạch vùng da bị ảnh hưởng, ngăn ngừa nhiễm trùng và ức chế vi nấm (một số trường hợp tổ đỉa có thể khởi phát do nấm, được gọi là nấm tổ đỉa).

Cách thực hiện:

  • Rửa sạch 5 – 7 lá trầu không và vò xát nhẹ
  • Đun sôi 2 lít nước và cho lá trầu vào
  • Đun thêm khoảng 5 phút rồi tắt bếp
  • Đổ nước ra thau và hòa thêm 1 ít nước lạnh vào
  • Ngâm rửa tay/ chân cho đến khi nước nguội hoàn toàn

Trong quá trình ngâm rửa, có thể dùng lá trầu chà xát nhẹ vào da để giảm ngứa ngáy và khó chịu. Tuy nhiên cần thao tác nhẹ nhàng để tránh gây vỡ mụn nước, xây xước da và chảy máu.

2. Trị tổ đỉa bằng lá trầu và muối biển

Bên cạnh mẹo ngâm rửa chân/ tay bằng lá trầu, bạn cũng có thể cải thiện triệu chứng của chàm tổ đỉa bằng cách kết hợp trầu không và muối biển. Muối biển có tác dụng giảm ngứa, sát trùng và chống viêm. Bên cạnh đó, nguyên liệu này còn chứa nhiều khoáng chất, giúp đẩy lùi thương tổn da và rút ngắn thời gian hồi phục.

Hướng dẫn thực hiện:

  • Ngâm rửa 3 – 4 lá trầu không với nước muối
  • Sau đó để ráo và đem giã nát
  • Thêm ½ thìa muối biển vào
  • Đem đắp trực tiếp lên vùng da chân/ da tay
  • Để trong khoảng 5 – 10 phút và rửa lại với nước sạch

Khi áp dụng biện pháp này, bạn có thể bị nóng rát nhẹ ở lòng bàn chân và bàn tay. Tuy nhiên tình trạng này phản ứng tự nhiên khi hoạt chất từ lá trầu thẩm thấu vào da. Sau khi rửa lại với nước sạch, triệu chứng này sẽ thuyên giảm hoàn toàn.

3. Đắp lá trầu sao nóng

Cách chữa bệnh tổ đỉa bằng cách đắp lá trầu sao nóng được nhân dân thực hiện trong giai đoạn mụn nước đã vỡ, da bong vảy, khô ráp và ngứa ngáy âm ỉ. Theo lý giải từ y học cổ truyền, lá trầu sao nóng có thể kích thích dây thần kinh ở lòng bàn tay và bàn chân, ức chế khả năng truyền tín hiệu và giảm mức độ ngứa.

Bên cạnh đó, nhiệt độ cao có thể đẩy tinh chất từ lá trầu vào sâu bên trong trung bì, hạ bì và cải thiện thương tổn da do chàm tổ đỉa gây ra.

Cách thực hiện:

  • Rửa sạch 3 – 5 lá trầu không
  • Cho vào chảo nóng sao đến khi lá trầu vàng và tỏa mùi thơm
  • Bọc trong khăn vải và đắp lên vùng da bị ảnh hưởng
  • Nên thực hiện nhiều lần trong ngày – nhất là khi triệu chứng ngứa ngáy bùng phát mạnh

4. Giảm bệnh tổ đỉa bằng lá trầu không và phèn chua

Phèn chua thường được dùng để lọc nước, cầm máu và làm sạch một số thực phẩm. Theo y học cổ truyền, phèn chua có tính ấm, vị chát, có tác dụng chỉ huyết, làm săn da và sát trùng.

Do đó kết hợp lá trầu và nguyên liệu này có thể giảm giảm ngứa ngáy, sát trùng, ngăn ngừa bội nhiễm và làm se vùng da lở loét. Mẹo chữa này thường được áp dụng khi mụn nước trên da bắt đầu vỡ và chảy dịch.

cách chữa bệnh tổ đỉa bằng lá trầu không
Mẹo dùng lá trầu và phèn chua thường được áp dụng khi mụn nước vỡ và chảy dịch

Cách thực hiện:

  • Rửa sạch 4 – 5 lá trầu không tươi và giã nát 1 ít phèn chua
  • Đun sôi 2 lít nước và cho lá trầu vào khi nước sôi
  • Đun thêm 3 phút rồi tắt bếp
  • Cho phèn chua vào, khuấy đều và cho thêm nước lọc vào
  • Dùng nước ngâm rửa tay chân hằng ngày

5. Dùng lá trầu không và củ gừng

Củ gừng (sinh khương) có đặc tính kháng viêm, giảm đau nhức và sát trùng mạnh. Vì vậy, nhân dân thường kết hợp với lá trầu không để làm giảm ngứa ngáy, ức chế vi khuẩn và nấm men gây hại trên da.

Cách thực hiện:

  • Giã nát 1 củ gừng và 4 lá trầu không
  • Sau đó thêm vào 50ml nước và chắt lấy nước cốt
  • Làm sạch vùng da cần điều trị và thoa dịch ép lên da
  • Để trong 5 – 10 phút và rửa lại bằng nước
  • Nếu mụn nước mới phát và gây ngứa nhiều, có thể dùng bã gừng và lá trầu đắp hoặc chà xát nhẹ lên da.

Cần lưu ý gì khi dùng lá trầu chữa bệnh tổ đỉa?

Lá trầu là thảo dược tự nhiên, có độ an toàn cao, dễ tìm và tương thích với cơ địa của người Việt. Ngoài ra mẹo chữa này còn có cách thực hiện đơn giản, chi phí thấp và có thể áp dụng trong thời gian dài mà không làm mỏng da.

Tuy nhiên ngoài các ưu điểm kể trên, cách chữa từ trầu không và thảo dược tự nhiên còn có một số mặt hạn chế nhất định. Vì vậy khi áp dụng mẹo chữa này, bạn nên lưu ý những điều sau đây:

  • Tác dụng chữa bệnh của lá trầu phụ thuộc vào cơ địa, mức độ bệnh và chế độ chăm sóc. Vì vậy tránh phụ thuộc vào mẹo chữa này và một số cách chữa từ thảo dược thiên nhiên khác.
  • Để đạt hiệu quả điều trị cao, cần phối hợp cách chữa từ lá trầu với việc sử dụng thuốc, dưỡng ẩm da thường xuyên và nâng cao sức khỏe tổng thể.
  • Tuyệt đối không gãi và chà xát mạnh vào mụn nước. Thói quen này có thể khiến da bị tổn thương sâu, chảy dịch, gây sẹo thâm vĩnh viễn và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Khi dùng lá trầu, cần ngâm rửa kỹ với nước muối để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn và xác động vật.
  • Trầu không có thể gây nóng rát da vì vậy nên tránh thực hiện mẹo chữa này nếu có làn da mỏng, nhạy cảm và cơ địa dễ dị ứng.
  • Lá trầu là thảo dược tự nhiên nên tác dụng thường chậm. Vì vậy cần thực hiện đều đặn để đạt được kết quả như mong muốn.
  • Trong trường hợp thương tổn da có dấu hiệu nhiễm trùng, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.
  • Sử dụng bao tay và mang ủng khi phải tiếp xúc với các yếu tố kích thích bệnh bùng phát như chất tẩy rửa, sơn, dung môi, kim loại,…
  • Trên thực tế, một số cách chữa bệnh tổ đỉa bằng lá trầu không chưa được chứng minh về cải thiện lâm sàng. Vì vậy bạn nên tham vấn y khoa trước khi áp dụng mẹo chữa này.

Bài viết đã tổng hợp 5 cách chữa bệnh tổ đỉa bằng lá trầu không được lưu truyền và áp dụng rộng rãi trong dân gian. Tuy nhiên các mẹo chữa này chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, vì vậy nên chủ động kết hợp cùng với chế độ chăm sóc khoa học và sử dụng thuốc đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ.

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

EMC Đã kết nối EMC