Viêm Amidan Ở Trẻ Em: Cách Chăm Sóc, Điều Trị Và Phòng Ngừa

Cập nhật: 09/04/2024

Bệnh viêm amidan ở trẻ em ảnh hưởng nhiều nhất đến các bé từ 5 – 15 tuổi. Căn bệnh này có thể khiến trẻ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc nắm rõ nguyên nhân gây viêm amidan ở trẻ sẽ giúp bạn có phương pháp dự phòng bệnh cho con mình hiệu quả hơn.

Nguyên nhân gây viêm amidan ở trẻ em

Bệnh viêm amidan ở trẻ em thường do virus gây ra. Tuy nhiên nhiễm trùng vi khuẩn cũng có thể gây nguyên nhân khiến một số bé bị bệnh. Trong đó, loại vi khuẩn gây bệnh viêm amidan cho trẻ phổ biến nhất là liên cầu nhóm A – Streptococcus pyogenes.

viêm amidan ở trẻ em
Bệnh viêm amidan ở trẻ em do vi khuẩn hoặc virus gây ra

Trong cơ thể, amidan chính là một phần quan trọng của hệ miễn dịch. Nó là tuyến bảo vệ đầu tiên có chức năng phát hiện và tiêu diệt vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng. Chính vì luôn phải ở trong trạng thái hoạt động nên amidan rất dễ bị tổn thương, viêm nhiễm. Sau tuổi dậy thì, chức năng miễn dịch của amidan dần suy giảm khiến cho các trẻ trong độ tuổi vị thành niên và người lớn cũng có thể trở thành đối tượng tấn công của bệnh viêm amidan.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh viêm amidan ở trẻ em:

  • Trẻ bị sinh thiếu tháng, nhẹ cân
  • Bé đến tuổi đi học, thường xuyên tiếp xúc gần với nhiều bạn nên dễ bị nhiễm khuẩn
  • Vệ sinh răng miệng không sạch sẽ hoặc không đúng cách
  • Môi trường nơi sinh sống bị ô nhiễm
  • Suy giảm hệ miễn dịch
  • Trong nhà có người hút thuốc lá
  • Thời tiết thay đổi thất thường
  • Chế độ ăn uống thiếu hụt dưỡng chất hoặc không đảm bảo vệ sinh
  • Có tiền sử mắc các bệnh lý đường hô hấp như viêm mũi dị ứng, viêm xoang hay viêm họng nhưng không được điều trị triệt để.

Triệu chứng viêm amidan ở trẻ em

Các dấu hiệu trẻ có thể gặp khi bị viêm amidan bao gồm:

  • Sưng phù, tấy đỏ amidan
  • Xuất hiện các mảng hay lớp mỏng màu trắng hoặc vàng che phủ bên trên bề mặt amidan
  • Bé bị đau họng, khó nuốt thức ăn
  • Nói chuyện hoặc ho cũng có thể khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn
  • Nóng sốt
  • Ho
  • Vướng víu trong cổ họng
  • Đau tai
  • Đau bụng
  • Thở khò khè, khó thở
  • Cổ họng phát ra tiếng ngáy khi ngủ
  • Tuyến hạch bạch huyết ở cổ sưng to
  • Thay đổi giọng nói
  • Hơi thở và miệng của bé có mùi hôi
  • Đau hoặc cứng cổ, đau đầu

Nhiều trẻ bị viêm amidan khi chưa biết nói nên không thể mô tả hoặc cảnh báo cho cha mẹ biết được các dấu hiệu khó chịu bé đang gặp phải. Vì vậy, phụ huynh nên thận trọng khi thấy con em mình có các triệu chứng khác như:

  • Chảy nước dãi do việc nhai nuốt thức ăn gặp khó khăn khi bé bị đau họng
  • Bé ăn uống không ngon miệng, biếng ăn, bỏ ăn
  • Hay quấy khóc
  • Nôn trớ hoặc nôn ói khi ăn

Không phải trẻ nào bị viêm amidan cũng gặp tất cả các triệu chứng kể trên. Điều này còn tùy thuộc vào thể trạng và mức độ nhiễm trùng của amidan. Ngoài ra, tùy thuộc vào loại viêm amidan mắc phải mà bệnh của trẻ có những đặc điểm và dấu hiệu khác nhau.

Các loại viêm amidan ở trẻ em

Tương tự như người lớn, bệnh viêm amidan ở trẻ em cũng được chia thành hai thể chính. Bao gồm:

  • Viêm amidan cấp tính: Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Ở giai đoạn cấp tính, amidan viêm và sưng to gây đau họng. Thể bệnh này chủ yếu ảnh hưởng đến amidan khẩu cái. Bề mặt amidan bị nhiễm trùng xuất hiện một lớp màng che phủ có màu xám hoặc trắng. Kèm theo đó, trẻ bị viêm amidan cấp còn có thể bị nổi hạch bạch huyết ở cổ hoặc góc hàm.
  • Viêm amidan mãn tính: Bệnh phát triển ở trẻ bị viêm amidan cấp tính tái phát nhiều lần. Tình trạng nhiễm trùng amidan kéo dài dai dẳng gây ra tổn thương nghiêm trọng cho amidan của bé.

Khi nào nên đưa trẻ đi khám bác sĩ?

Các triệu chứng của bệnh viêm amidan ở trẻ em rất dễ bị nhầm lẫn với một số vấn đề khác ở đường hô hấp, chẳng hạn như viêm họng, viêm phế quản… Việc sớm thăm khám sẽ giúp con bạn được chẩn đoán chính xác bệnh, từ đó có phương pháp điều trị đúng đắn, kịp thời.

Bạn nên đưa con đi khám nếu bé có các dấu hiệu như:

  • Bé bị sốt kèm theo đau họng
  • Tình trạng đau họng kéo dài, không biến mất sau 24 – 48 tiếng
  • Khó nuốt
  • Mệt mỏi
  • Cơ thể suy yếu
  • Quấy khóc bất thường
  • Khó thở
  • Chảy nhiều nước dãi
  • Nôn ói nhiều

Biến chứng của bệnh viêm amidan ở trẻ em

Bệnh viêm amidan ở trẻ gây ra nhiều triệu chứng khó chịu khiến bé chán ăn, bỏ bú, từ đó khiến cho cơ thể mệt mỏi, thiếu sức sống. Bệnh ở giai đoạn cấp tính nếu tái phát liên tục có thể tiến triển sang giai đoạn mãn tính khiến bé có nguy cơ gặp nhiều biến chứng như:

  • Ngưng thở khi ngủ do amidan phì đại, sưng to gây tắc nghẽn đường lưu thông của không khí
  • Viêm mô tế bào amidan: Biến chứng này xảy ra khi nhiễm trùng lan sâu vào các mô xung quanh
  • Áp xe amidan
  • Bệnh bạch cầu đơn nhân cấp tính

Đặc biệt, nếu trẻ bị viêm amidan do liên cầu khuẩn mà không được kiểm soát tốt thì có thể gặp các biến chứng nguy hiểm khác như:

  • Sốt thấp khớp
  • Nổi ban đỏ
  • Viên cầu thận
  • Viêm khớp phản ứng sau mô cầu

Chẩn đoán viêm amidan ở trẻ em

Trẻ có dấu hiệu nghi ngờ bị viêm amidan thường được khám tại chuyên khoa Tai mũi họng. Trước tiên, bác sĩ sẽ trao đổi với trẻ và người thân của bé về các triệu chứng đang gặp phải. Sau đó tiến hành kiểm tra amidan. Một thanh gỗ tiệt trùng sẽ được đưa vào miệng của bé nhằm mục đích đè lưỡi xuống, giúp bác sĩ dễ dàng quan sát được amidan và tình trạng sưng viêm đang diễn ra trong cổ họng của trẻ.

chẩn đoán bệnh viêm amidan ở trẻ em
Bệnh viêm amidan ở trẻ em nếu được chẩn đoán sớm sẽ dễ điều trị hơn

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể tiến hành kiểm tra mũi và tai của con bạn, dùng tai nghe để kiểm tra nhịp thở và tìm các dấu hiệu nhiễm trùng amidan ở cổ, chẳng hạn như nổi hạch.

Để chẩn đoán phân biệt bệnh viêm amidan ở trẻ em do nhiễm vi khuẩn, virus thông thường với nhiễm trùng do liên cầu khuẩn, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm nuôi cấy dịch họng. Với kỹ thuật chẩn đoán này, bác sĩ sẽ lấy một cái tăm bông vuốt nhẹ phía sau cổ họng của con bạn và đem đi làm xét nghiệm liên cầu khuẩn.

Cách điều trị viêm amidan ở trẻ em

Các phương pháp đang được áp dụng để điều trị viêm amidan cho trẻ bao gồm:

1. Dùng thuốc trị viêm amidan cho trẻ em

Trẻ bị viêm amidan ở mức độ nhẹ đến trung bình thường được điều trị bằng phương pháp nội khoa với thuốc bác sĩ kê đơn. Các loại thuốc được chỉ định bao gồm thuốc diệt khuẩn kết hợp với một số loại thuốc làm giảm triệu chứng bệnh. Bao gồm:

– Thuốc kháng sinh:

Thuốc kháng sinh được chỉ định cho các bé bị viêm amidan do nhiễm khuẩn, không dùng cho các trường hợp bị nhiễm virus. Số lượng trẻ bị nhiễm trùng amidan do vi khuẩn chiếm tỷ lệ khoảng 20%. Bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm dịch tiết ở cổ họng của bé kết hợp với một số dấu hiệu lâm sàng để chẩn đoán xác định về tình trạng nhiễm trùng của trẻ trước khi chỉ định kháng sinh.

Các thuốc kháng sinh thường được bác sĩ kê đơn để điều trị viêm amidan ở trẻ em là:

  • Kháng sinh nhóm Beta – lactam: Gồm Penicillin, Amoxicillin, Ampicillin, Cephalexin hay Cefuroxim,…
  • Kháng sinh nhóm Macrolid: Chẳng hạn như Dorithromycin, Azithromycin hay Erythromycin,… Trường hợp trẻ bị kháng kháng sinh Penicillin thường được chỉ định điều trị với các loại thuốc này.

Bác sĩ thường dựa vào chủng vi khuẩn và tiền sử dùng thuốc kháng sinh của trẻ để lựa chọn loại thuốc phù hợp cho bé. Điều quan trọng là bạn cần cho con mình uống thuốc đúng cách, đủ liều lượng và thời gian quy định để giảm thiểu nguy cơ gặp tác dụng phụ, tránh bị kháng thuốc.

– Thuốc giảm đau, hạ sốt

Trẻ có biểu hiện đau họng nghiêm trọng hoặc sốt từ 38,5 độ trở lên có thể được kê đơn các thuốc giảm đau, hạ sốt như:

  • Paracetamol: Dùng 10 – 15mg/kg/lần theo đường uống hoặc 10-20 mg/kg/lần dạng đặt hậu môn. Nếu bé vẫn tiếp tục bị sốt trở lại thì có thể dùng liều tiếp theo sau ít nhất 4 tiếng.
  • Ibuprofen: Liều dùng cho trẻ dưới 3 tháng tuổi là 5 mg/kg/lần x 3 – 4 lần/ngày, trẻ từ 3 tháng trở lên uống 5 – 10 mg/kg/lần x 3 – 4 lần/ngày. Chống chỉ định thuốc giảm đau, hạ sốt cho trẻ có cân nặng dưới 7kg.

– Thuốc kháng viêm:

Bao gồm men chống viêm Alphachymotrypsin và một số loại thuốc nhóm Corticoid, chẳng hạn như Prednisolon hay Betamethason,… Các loại thuốc này có thể giúp làm giảm hiện tượng sưng đau amidan.

Tuy nhiên, chúng cũng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nên cần thận trọng khi sử dụng cho bé. Tránh lạm dụng thuốc kháng viêm kéo dài, nhất là các thuốc Corticoid.

– Thuốc giảm ho:

Bao gồm các loại siro thảo dược hoặc thuốc Dextromethorphan. Các thuốc này có thể giúp xoa dịu cơn ho cho bé, qua đó làm giảm đau họng. Không chỉ định thuốc cho trẻ bị ho có đờm.

– Thuốc long đờm:

Thường được chỉ định là thuốc Bromhexin hay N – Acetylcystein. Thuốc có tác dụng làm loãng đờm nhầy, giảm ho và loại bỏ cảm giác vướng víu khó chịu trong cổ họng của bé. Khi dùng thuốc, mẹ nên cho bé uống nhiều nước để đạt được hiệu quả tốt hơn.

– Các loại thuốc khác có thể được chỉ định để chữa viêm amidan ở trẻ em:

  • Thuốc súc họng, xịt họng Betadine,
  • Viên ngậm sát khuẩn tại chỗ Lysopaine
  • Thuốc ngậm sát trùng, giảm đau họng Dorithricin
  • Thuốc bổ sung vitamin và khoáng chất giúp trẻ tăng sức đề kháng

2. Cách chữa viêm amidan cho trẻ tại nhà

Song song với quá trình điều trị bằng thuốc theo đơn, cha mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa về việc áp dụng các mẹo chữa viêm amidan tự nhiên giúp giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu cho bé và rút ngắn thời gian trị bệnh.

Dưới đây là một số mẹo chữa viêm amidan ở trẻ em đang được dân gian áp dụng:

– Súc miệng bằng nước muối giảm viêm amidan cho trẻ:

Thường xuyên súc miệng bằng nước muối ấm có thể giúp sát trùng tại chỗ, làm dịu kích ứng trong cổ họng, giảm đau và cải thiện tình trạng sưng viêm ở amidan của bé. Phương pháp này thích hợp cho những bé đã lớn. Mẹ có thể hướng dẫn bé súc miệng với nước muối pha loãng mỗi ngày vài lần để ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh.

Cách thực hiện:

  • Lấy 1 thìa cà phê muối ăn hoặc muối hột bỏ vào ly nước ấm
  • Dùng thìa khuấy cho muối tan hoàn toàn
  • Cho trẻ súc miệng và họng với hỗn hợp nước muối vừa pha. Chú ý nhắc nhở bé cẩn thận không để nuốt nước muối vào.
  • Sau cùng dùng nước sạch để bé súc miệng lại cho bớt vị mặn trong miệng.

– Bài thuốc trị viêm amidan cho trẻ bằng bạc hà

Giàu methol, bạc hà có đặc tính kháng khuẩn mạnh mẽ. Nó giúp amidan bớt sưng viêm và ức chế sự phát triển của vi khuẩn, virus gây bệnh. Ngoài ra, thành phần tinh dầu chiết xuất từ lá bạc hà còn có tác dụng làm dịu niêm mạc họng, giảm đau và giúp hơi thở của bé thơm tho hơn.

Cách sử dụng:

  • Lá bạc hà dùng 1 nắm, đem nhặt và rửa sạch, bỏ vào trong ấm
  • Đun sôi 300ml nước rồi đổ vào trong ấm hãm trà
  • Đậy nắp ấm lại, để khoảng 15 phút thì vớt bỏ bã
  • Thêm vào 2 – 3 thìa mật ong nguyên chất, quậy lên cho đều
  • Rót trà ra ly, để nguội bớt cho bé uống mỗi ngày 2 – 3 tách nhỏ.

– Chữa viêm amidan cho trẻ bằng nghệ

Nghệ có khả năng chống viêm mạnh mẽ nhờ chứa nhiều curcumin. Chất này cũng giúp bảo vệ, giảm thiểu tổn thương cho niêm mạc họng, đồng thời thúc đẩy quá trình chữa lành amidan.

Cách sử dụng:

  • Cách 1: Pha bột nghệ với nước ấm và cho bé súc miệng 2 – 3 lần trong ngày
  • Cách 2: Thêm 1 thìa bột nghệ vào trong lý sữa và cho trẻ uống trước khi đi ng
  • Cách 3: Lấy 1 củ nghệ giã nát, đem hấp cách thủy chung với mật ong. Chắt nước cho bé uống mỗi lần 1 – 2 thìa cà phê.

– Điều trị viêm amidan ở trẻ em bằng chanh

Chanh chứa nhiều vitamin C. Chất này có khả năng kháng viêm, chống nhiễm trùng, tăng cường khả năng miễn dịch, giúp bé bớt mệt mỏi và nhanh phục hồi sức khỏe hơn.

  • Cách 1: Lấy 1/2 quả chanh vắt nước cốt. Sau đó pha thêm vào 1 thìa mật ong cho bé nuốt từ từ.
  • Cách 2: Pha một ít nước cốt chanh với nước ấm và mật ong cho bé uống giúp làm dịu cổ họng.

– Dùng giấm táo trị viêm amidan ở trẻ em

Thành phần axit trong giấm táo có thể giúp diệt khuẩn, kháng viêm, cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm amidan ở trẻ em.

Cách sử dụng:

  • Lấy 1 thìa giấm táo pha với 50ml nước ấm
  • Quậy đều lên và cho trẻ uống mỗi ngày 2 – 3 lần
  • Dùng sau khi ăn khoảng 1 tiếng, tránh cho trẻ uống lúc đói bụng.

– Gừng giảm đau họng, chống viêm amidan ở trẻ em

Gừng chứa hoạt chất giảm đau, chống viêm tự nhiên nên được nhiều mẹ tin dùng làm thuốc chữa viêm amidan cho bé. Bên cạnh đó, thảo dược này còn giúp giữ ấm cơ thể, giảm ho và kích thích lưu thông máu đến cổ họng, cung cấp dưỡng chất giúp tổn thương nhanh lành.

Cách sử dụng:

  • Lấy 1 nhánh gừng nhỏ rửa sạch, cạo vỏ và bằm nhuyễn
  • Bỏ gừng vào trong ấm hãm với nước sôi khoảng 15 phút
  • Rót cho bé uống nhiều lần trong ngày khi còn ấm. Có thể bỏ thêm vào chút mật ong cho dễ uống.

3. Điều trị viêm amidan ở trẻ em bằng phẫu thuật

Trẻ bị viêm amidan được chỉ định phẫu thuật trong các trường hợp sau:

  • Trẻ bị viêm amidan cấp tính tái phát nhiều đợt trong năm, khoảng 5 – 6 lần
  • Bệnh gây ra các biến chứng như viêm tai giữa, viêm khớp, viêm xoang…
  • Viêm amidan phì đại khiến cho trẻ gặp khó khăn khi ăn uống và bị ngưng thở trong lúc ngủ
  • Trẻ bị viêm amidan mãn tính kéo dài không thuyên giảm sau 4 – 5 tuần được điều trị tích cực bằng nội khoa.
  • Trẻ bị áp xe quanh amidan và có tiền sử từng phải điều trị nội trú tại bệnh viện.
  • Nhiều ngóc ngách của amidan sưng to và tiết nhiều dịch gây hôi miệng
  • Nghi ngờ khối u ác tính.
phẫu thuật cắt amidan cho trẻ
Phẫu thuật là phương pháp được lựa chọn sau cùng để điều trị viêm amidan cho trẻ

Hiện nay, có nhiều phương pháp cắt amidan cho trẻ như:

  • Cắt amidan bằng coblator
  • Dùng dao điện đơn cực hay lưỡng cực
  • Cắt amidan bằng phương pháp Sluder
  • Phẫu thuật bằng tia laser

Thông thường, việc phẫu thuật cắt amidan chỉ được khuyến cáo áp dụng cho trẻ trên 4 tuổi. Tuy nhiên, nếu amidan của trẻ sưng quá to gây biến chứng hoặc khiến bé bị ngừng thở trong lúc ngủ thì việc mổ cắt amidan cũng có thể được xem xét thực hiện cho các bé nhỏ tuổi hơn.

Chống chỉ định phẫu thuật cắt amidan cho trẻ mắc chứng rối loạn đông máu bẩm sinh, trẻ bị bệnh bạch cầu, suy tủy, đang có nhiễm khuẩn tại chỗ hoặc toàn thân. Sau cắt amidan, trẻ có thể bị đau họng trong một vài ngày. Một số biến chứng cũng có thể xảy ra như dị ứng thuốc gây mê, mất máu nhiều, tổn thương mạch máu lớn…

Cách chăm sóc cho trẻ bị viêm amidan

Khi bị viêm amidan, trẻ cần được chăm sóc đúng cách để mau phục hồi sức khỏe. Cha mẹ cần lưu ý:

  • Cho bé uống nhiều nước ấm để làm dịu kích ứng trong cổ họng và hạ sốt cho bé
  • Lau mát thường xuyên cho trẻ khi bé bị sốt. Thường xuyên kẹp nhiệt để theo dõi nhiệt độ của bé.
  • Trẻ còn bú sữa mẹ nên tăng lượng cữ bú trong ngày, mỗi lần chỉ nên cho bé bú vừa đủ để không bị nôn trớ.
  • Trẻ lớn hơn thì cho ăn các thức ăn mềm, lỏng, không tẩm ướp nhiều gia vị và ít dầu mỡ. Bổ sung các thực phẩm có khả năng kháng viêm, giảm đau tự nhiên vào trong thực đơn của bé, chẳng hạn như tỏi, gừng, rau xanh, nghệ, cá béo, quả mọng…
  • Cho trẻ uống thuốc đủ liều, đúng giờ theo hướng dẫn của bác sĩ
  • Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày để trẻ không phải dung nạp một lượng lớn thức ăn cùng lúc và dễ dàng tiêu hóa thực phẩm hơn. Điều này có thể giúp bé tránh được tình trạng khó nuốt, nôn ói khi ăn và đảm bảo bé được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
  • Trường hợp mới cắt amidan: Trong ngày đầu tiên, mẹ có thể cho bé uống sữa lạnh. Từ ngày thứ 2 – ngày thứ 7, hãy cho bé ăn các thức ăn loãng, mềm và nguội, kiêng đồ nếp, thịt bò hay hải sản. Sau ngày thứ 7, bé có thể chuyển sang ăn cơm nhão và quay về với chế độ ăn uống bình thường từ ngày thứ 14 sau mổ.
  • Không để trẻ ăn đồ chua cay, thực phẩm cứng
  • Cho bé nghỉ ngơi nhiều trong không gian sạch sẽ, yên tĩnh và thoáng khí để mau phục hồi sức khỏe hơn.

Cách phòng ngừa viêm amidan ở trẻ em

  • Tập cho bé đánh răng, súc miệng hàng ngày với nước muối
  • Dùng nước muối sinh lý rửa mũi cho trẻ thường xuyên để tiêu diệt vi khuẩn, virus, ngăn chặn không cho tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cổ họng.
  • Tập cho trẻ thói quen rửa tay với xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc khi từ trường hợp trở về nhà
  • Không cho bé ngậm tay vào miệng khiến vi khuẩn có cơ hội xâm nhập vào gây nhiễm trùng amidan.
  • Giữ ấm vùng ngực và mũi họng cho bé khi thời tiết chuyển mùa hoặc trong những ngày trời lạnh
  • Không để bé đến những nơi có nhiều khói thuốc lá, bụi bẩn. Khi đưa bé ra ngoài, mẹ nên bịt khẩu trang cho con để bảo vệ đường hô hấp của trẻ.
  • Cho bé ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Tránh để bé uống nước lạnh hay ăn đồ lạnh vì chúng có thể gây kích ứng niêm mạc họng và làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm amidan ở trẻ em.

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

EMC Đã kết nối EMC