Viêm Đại Tràng Giả Mạc Là Gì? Chẩn Đoán & Phương Pháp Điều Trị

Cập nhật: 02/04/2024

Viêm đại tràng giả mạc là tình trạng viêm nhiễm xảy ra tại lớp niêm mạc lót trong đại tràng do vi khuẩn C. difficile gây ra. Việc điều trị lúc này nhằm mục đích giảm nhẹ triệu chứng của bệnh và khôi phục lại sự cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Bài viết dưới đây là tổng hợp những thông tin cần biết về bệnh viêm đại tràng giả mạc, bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn.

Viêm đại tràng giả mạc là gì? Nguy hiểm không?

Viêm đại tràng giả mạc hay còn được gọi là viêm đại tràng do vi khuẩn Clostridium difficle. Đây là tình trạng khởi phát phản ứng viêm tại niêm mạc lót trong đại tràng do sự phát triển quá mức của vi khuẩn Clostridium difficle. Bệnh lý này thường xuất hiện sau khi dùng kháng sinh nên có thể nói đây là tác dụng phụ của việc dùng kháng sinh. Tuy nhiên, không phải loại kháng sinh nào cũng gây ra tác dụng phụ này.

Bác sĩ chuyên khoa cho biết, tổn thương viêm bên trong niêm mạc do viêm đại tràng giả mạc gây ra có liên quan đến sự phát triển quá mức của vi khuẩn Clostridium difficile. Cũng có một vài trường hợp khởi phát bệnh do có sự tham gia của các vi sinh vật khác nhưng rất hiếm gặp. Clostridium difficile là một loại vi khuẩn kỵ khí gram dương, sau khi xâm nhập vào đường ruột chúng sẽ phát tán độc tố rất mạnh. Điều này đã kích hoạt phản ứng viêm xảy ra tại niêm mạc và tăng bài tiết. Lúc này, trên lớp niêm mạc đại tràng sẽ hình thành nên lớp giả mạc có màu trắng và rất dễ bong. Khi gặp điều kiện thuận lợi, lớp giả mạc này sẽ bong ra gây viêm loét chảy máu tại niêm mạc đại tràng.

Viêm đại tràng giả mạc khiến người bệnh phải đối mặt với tình trạng đau quặn bụng nghiêm trọng kèm theo tiêu chảy kéo dài. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ phát sinh biến chứng, thậm chí là gây nguy hiểm đến tính mạng. Một số biến chứng thường gặp do viêm đại tràng giả mạc gây ra là:

  • Mất nước và rối loạn điện giải do bị tiêu chảy nhiều lần.
  • Thủng đại tràng nếu tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở mức độ nặng.
  • Viêm phúc mạc xảy ra khi vi khuẩn có hại trong đại tràng xâm nhập và tấn công vào khoang bụng gây viêm.
  • Suy thận nếu tình trạng mất nước diễn ra quá nhanh với mức độ nghiêm trọng.
  • Phình đại tràng nhiễm độc nếu bệnh gây ra triệu chứng táo bón kéo dài.
Viêm đại tràng giả mạc diễn ra kéo dài sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe của người bệnh
Viêm đại tràng giả mạc diễn ra kéo dài sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe của người bệnh

Triệu chứng của bệnh viêm đại tràng giả mạc

Đa số các trường hợp đều khởi phát bệnh sau khi dùng kháng sinh từ 1 – 2 ngày, nhưng cũng có một vài trường hợp sẽ không xuất hiện triệu chứng bất thường cho đến vài tuần rồi mới bắt đầu khởi phát triệu chứng của bệnh. Dựa vào mức độ bệnh trạng mà biểu hiện ra bên ngoài của bệnh cũng sẽ không giống nhau. Dưới đây là tổng hợp các triệu chứng thường gặp khi bị viêm đại tràng giả mạc bạn có thể tham khảo:

  • Tiêu chảy ra nước đôi khi có lẫn máu, trong phân có chứa chất nhầy hoặc mủ. Tình trạng này diễn ra kéo dài khiến cơ thể bị mất nước, mất điện giải, cơ thể suy nhược, da xanh xao,…
  • Xuất hiện các cơn đau quặn thắt ở vùng bụng, nhiều trường hợp dùng tay ấn vào vùng đại tràng sẽ thấy đau. Vùng bụng trở nên chướng và sưng to khi bệnh đã chuyển biến nặng.
  • Tùy thuộc vào mức độ bệnh trạng mà người bệnh sẽ bị sốt nhẹ hoặc sốt cao. Ăn uống không ngon miệng, buồn nôn, cơ thể kém hấp thu dưỡng chất gây sụt cân,..

Cần đi khám bác sĩ nhanh chóng nếu có các triệu chứng sau đây:

  • Tiêu chảy diễn ra với mức độ nặng
  • Phân lẫn máu và mủ
  • Đau quặn bụng ở mức độ nghiêm trọng
  • Sốt cao

Nguyên nhân gây ra bệnh viêm đại tràng giả mạc

Tác dụng phụ của kháng sinh chính là nguyên nhân gây ra bệnh viêm đại tràng giả mạc thường gặp nhất. Bình thường đại tràng của người bệnh chứa rất nhiều vi khuẩn và chúng luôn ở trạng thái cân bằng. Việc sử dụng kháng sinh đã khiến cho trạng thái cân bằng này bị phá vỡ. Vi khuẩn có hại bắt đầu phát triển mạnh mẽ gây ra tình trạng viêm đại tràng giả mạc, độc tố của vi khuẩn sản sinh ra quá nhiều sẽ tấn công gây tổn thương đến đại tràng.

Viêm đại tràng giả mạc thường là tác dụng phụ của các loại kháng sinh như Fluoroquinolone, Cephalosporin, Clindamycine, Penicillin,… Ngoài kháng sinh thì việc sử dụng các loại thuốc trị bệnh gây mất cân bằng hệ vi sinh vật trong đại tràng cũng là nguyên nhân gây ra bệnh. Ví dụ như thuốc hóa trị điều trị ung thư,… Một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh mà người bệnh cần phải lưu ý là:

  • Đang điều trị bệnh lý bằng kháng sinh
  • Ăn uống thiếu khoa học, không đảm bảo vệ sinh
  • Người già trên 65 tuổi hoặc người có hệ miễn dịch suy yếu
  • Đã từng phẫu thuật đường ruột trị bệnh
  • Đang thực hiện hóa trị chữa ung thư
  • Mắc các bệnh lý về đại tràng (viêm loét đại tràng, viêm ruột,…)
  • Sinh hoạt trong bệnh viện hoặc viện dưỡng lão
Dùng kháng sinh trị bệnh là nguyên nhân gây ra bệnh viêm đại tràng giả mạc thường gặp nhất
Dùng kháng sinh trị bệnh là nguyên nhân gây ra bệnh viêm đại tràng giả mạc thường gặp nhất

Các cách chẩn đoán bệnh trong y khoa

Khi thấy có các dấu hiệu của bệnh, bạn cần tiến hành thăm khám để được hướng dẫn điều trị đúng cách. Nếu chủ quan để bệnh diễn ra kéo dài sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Lúc này, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra triệu chứng lâm sàng, hỏi về bệnh sử và chỉ định người bệnh thực hiện thêm một số xét nghiệm sau đây:

  • Xét nghiệm phân giúp phát hiện sự tồn tại của vi khuẩn C. difficile.
  • Xét nghiệm máu phát hiện ra tình trạng tăng bạch cầu (đây là dấu hiệu của bệnh).
  • Xét nghiệm hình ảnh (Chụp X-quang, CT bụng) giúp phát hiện một số biến chứng của bệnh.
  • Nội soi đại tràng giúp quan sát được tổn thương đang diễn ra tại niêm mạc đại tràng và đưa ra chẩn đoán chính xác nhất về tình trạng bệnh.

Sau khi đã có chẩn đoán chính xác về bệnh, bác sĩ sẽ dựa vào đó để lên phác đồ điều trị sao cho phù hợp giúp nhanh chóng kiểm soát tình trạng bệnh. Tránh để lâu gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

Phương pháp điều trị viêm đại tràng giả mạc

Viêm đại tràng giả mạc là bệnh lý nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng, nhưng nếu được phát hiện và tiến hành chữa trị đúng cách thì khả năng khỏi bệnh là rất cao. Việc đầu tiên người bệnh cần làm là tránh xa tác nhân gây ra bệnh giúp giảm nhẹ triệu chứng, thường gặp là kháng sinh và một số loại thuốc trị bệnh khác. Sau khi ngừng dùng kháng sinh mà tình trạng bệnh vẫn tiếp tục tái diễn, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện điều trị bằng cách phương pháp sau đây:

  • Thay đổi kháng sinh: Người bệnh sẽ được kê đơn điều trị bằng kháng sinh khác có tác dụng chống lại vi khuẩn C.difficle và cho phép các loại vi khuẩn khác phát triển bình thường trở lại giúp khôi phục lại sự cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Nếu tình trạng viêm diễn ra ở mức độ nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng kháng sinh bằng đường tiêm tĩnh mạch hoặc đưa vào dạ dày thông qua ống mũi.
  • Cấy vi khuẩn: Nếu việc điều trị bằng kháng sinh không mang lại hiệu quả tích cực, bác sĩ sẽ xem xét và tiến hành cấy vi khuẩn. Lúc này, bác sĩ sẽ đưa viên nang có chứa vi khuẩn F.Coli vào trong dạ dày bằng ống thông mũi hoặc chèn vào ruột già. Nhưng để mang lại hiệu quả tốt nhất, thường bác sĩ sẽ chỉ định điều trị kết hợp với kháng sinh và cấy vi khuẩn.
  • Phẫu thuật: Được chỉ định thực hiện nếu bệnh đã phát sinh ra các biến chứng nghiêm trọng như vỡ đại tràng, viêm phúc mạc,… Tuy nhiên, phẫu thuật tiềm ẩn rất nhiều rủi ro không mong muốn, vì thế bác sĩ sẽ cân nhắc thật kỹ trước khi áp dụng.

Lưu ý khi bị viêm đại tràng giả mạc

Ngoài việc thực hiện điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh cũng cần phải điều chỉnh lại đến chế độ ăn uống và lối sống sinh hoạt hàng ngày của bản thân. Dưới đây là những điều mà người bệnh cần phải lưu ý:

  • Bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể giúp làm sạch ruột và đào thải độc tố. Bạn cũng có thể uống nước ép trái cây để bổ sung vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Tuy nhiên cần tránh các loại nước ép chứa nhiều acid.
  • Tuyệt đối không sử dụng đồ uống có cồn, chất kích thích và nước giải khát nhiều đường trong suốt quá trình điều trị bệnh để tránh khiến cho triệu chứng viêm trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Nên sử dụng các loại thực phẩm có tính nhuận tràng giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn như chuối, khoai lang, rau mồng tơi,… Ưu tiên chế biến món ăn dưới dạng mềm lỏng dễ tiêu hóa (cháo, súp, canh,…)
  • Tránh sử dụng các loại thực phẩm gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và làm gia tăng áp lực lên hệ tiêu hóa. Cụ thể là đồ ăn chiên xào nhiều chất béo, đồ ăn chế biến sẵn chứa chất bảo quản, đồ ăn cay nóng,…
  • Không nên ăn quá no trong bữa chính thay vào đó hãy chia nhỏ bữa ăn để sử dụng, tránh gây áp lực lên hệ tiêu hóa và phòng ngừa bệnh tái phát trở lại.
  • Để phòng ngừa bệnh bạn không nên sử dụng kháng sinh khi không cần thiết, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh tiếp xúc với người bệnh cũng như phân của người bệnh,…
Vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng giúp loại bỏ vi khuẩn gây hại và phòng ngừa nhiều bệnh lý khác
Vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng giúp loại bỏ vi khuẩn gây hại và phòng ngừa các bệnh lý về đường tiêu hóa
  • Sử dụng thuốc trị bệnh theo đúng đơn kê mà bác sĩ đưa ra. Tuyệt đối không được lạm dụng hoặc thay đổi bất kỳ loại thuốc điều trị nào. Nếu bệnh gây sốt hoặc đau bụng nghiêm trọng, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ để sử dụng thêm paracetamol.
  • Liên hệ với bác sĩ nhanh chóng nếu trong quá trình điều trị bệnh có xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào. Đồng thời, không dùng thuốc cầm tiêu chảy khi trị bệnh để tránh ảnh hưởng việc đào thải vi khuẩn ra bên ngoài.

Viêm đại tràng giả mạc là bệnh lý cần được phát hiện và điều trị ngay từ sớm để tránh phát sinh biến chứng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ngay khi có dấu hiệu của bệnh bạn nên nhanh chóng thăm khám chuyên khoa để được hướng dẫn chữa trị đúng cách. Để quá trình điều trị nhanh chóng mang lại hiệu quả bạn cũng nên kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học.

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

EMC Đã kết nối EMC