Viêm Đại Tràng Ở Trẻ Em – Nguyên Nhân Và Cách Phòng Ngừa

Cập nhật: 02/04/2024

Bệnh viêm đại tràng ở trẻ em có thể khởi phát do nhiều nguyên nhân như di truyền, nhiễm khuẩn, sử dụng nhiều thuốc kháng sinh hoặc ăn uống không hợp vệ sinh. Để điều trị bệnh cho trẻ, bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc làm giảm triệu chứng bệnh. Phẫu thuật chỉ được đề nghị khi các phương pháp chữa trị khác không mang lại hiệu quả.

Bệnh viêm đại tràng ở trẻ em là gì?

Viêm đại tràng ở trẻ em là một dạng viêm ruột xảy ra khi lớp niêm mạc lót bên trong đại tràng của bé bị tổn thương, viêm nhiễm. Tình trạng viêm thường có khuynh hướng bắt đầu từ trực tràng, sau đó lan dần ra toàn bột đại tràng nếu không được phát hiện và điều trị từ sớm.

Viêm đại tràng ở trẻ em
Bệnh viêm đại tràng ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sự phát triển của bé

Điểm đặc trưng của bệnh là tình trạng tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài. Hầu hết trẻ bị viêm đại tràng còn kèm theo triệu chứng đau bụng, đi ngoài ra máu hoặc chất nhầy, mủ. Tùy theo thời gian mắc bệnh mà viêm đại tràng ở trẻ em cũng được chia thành hai thể là viêm đại tràng cấp tính và mãn tính. Trong đó, trẻ mắc bệnh viêm đại tràng mãn tính tiến triển trong nhiều năm có nguy cơ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như ung thư đại trực tràng.

Nguyên nhân gây viêm đại tràng ở trẻ em

Bệnh viêm đại tràng ở trẻ em có thể khởi phát vì những nguyên nhân sau:

Theo thống kê, có khoảng 20% các trường hợp viêm đại tràng ở trẻ em bắt nguồn từ yếu tố di truyền. Trẻ sẽ có nguy cơ cao bị viêm đại tràng nếu trong gia đình cũng có người mắc bệnh.

  • Di truyền: Bệnh viêm đại tràng ở trẻ em có liên quan đến yếu tố di truyền, tức con bạn sẽ có nguy cơ mắc căn bệnh này cao hơn nếu trong gia đình có tiền sử bị bệnh. Thống kê cho thấy, khoảng 20% trẻ bị viêm đại tràng có liên quan đến yếu tố di truyền.
  • Nhiễm khuẩn: Trẻ bị nhiễm vi khuẩn, nấm hay ký sinh trùng có thể dẫn đến nhiễm trùng ruột già. Khi gặp điều kiện thuận lợi (như suy giảm hệ miễn dịch, mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột…) những tác nhân gây bệnh này sẽ sinh sôi phát triển mạnh và tấn công trực tiếp vào lớp niêm mạc đại tràng của bé và khiến cho khu vực này bị viêm đỏ, sưng phù.
  • Chế độ ăn uống của bé thiếu khoa học: Trẻ thường xuyên bị ép ăn quá nhiều, nhai nuốt vội vàng, sử dụng nhiều thức ăn nhanh, đồ ăn được tẩm ướp nhiều gia vị, bị ôi thiu hoặc không đảm vệ sinh trong khâu chế biến, bảo quản cũng có nguy cơ cao bị viêm đại tràng.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Trẻ được điều trị bằng thuốc kháng sinh trong thời gian dài hoặc cha mẹ lạm dụng kháng sinh cho bé bừa bãi khi không cần thiết có thể gây loạn khuẩn đường ruột, giúp vi khuẩn có hại trong ruột già phát triển mạnh và gây viêm đại tràng. Ngoài ra, bệnh viêm đại tràng ở trẻ còn có thể phát triển khi gặp tác dụng phụ của một số loại thuốc khác, chẳng hạn như thuốc ức chế miễn dịch, thuốc giảm đau kháng viêm không steroid…
  • Căng thẳng quá mức: Trẻ nhỏ đôi khi cũng có thể bị căng thẳng hoặc gặp áp lực về mặt tâm lý đến từ việc học hành, gia đình hay các mối quan hệ ngoài xã hội. Tình trạng stress kéo dài khiến hệ miễn dịch bị suy yếu và có thể gây loạn khuẩn đường ruột khiến bé bị viêm đại tràng tấn công.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm đại tràng ở trẻ em

Bên cạnh các nguyên nhân trên, con bạn cũng sẽ có nguy cơ bị viêm đại tràng cao hơn nếu có các yếu tố sau:

  • Hệ miễn dịch bị suy giảm
  • Từng xạ trị ruột già hay các cơ quan lân cận
  • Sống tại khu công nghiệp hay khu đô thị
  • Máu kém lưu thông dẫn đến thiếu máu cục bộ đại tràng
  • Mắc các bệnh lý khác ở đường ruột như bệnh crohn, viêm ruột hoại tử hay viêm đại tràng giả mạc.

Triệu chứng viêm đại tràng ở trẻ em

Trẻ bị viêm đại tràng có thể phải đối mặt với nhiều triệu chứng khác nhau ở mức độ nhẹ, trung bình đến nặng tùy theo tình trạng tổn thương trong ruột già. Bạn nên thận trọng với căn bệnh này nếu con mình có những biểu hiện dưới đây:

  • Táo bón kéo dài hoặc tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng nhiều hơn 3 lần trong ngày
  • Trong phân có thể lẫn ít máu hoặc chất nhầy, mủ
  • Đi ngoài phân đen
  • Bé phàn nàn về các cơn đau bụng. Một số trẻ chưa biết nói thì biểu hiện ra bên ngoài bằng cách ôm bụng và hay quấy khóc, khó chịu.
  • Chảy máu trực tràng
  • Trẻ chậm tăng cân, suy dinh dưỡng do kém hấp thu chất dinh dưỡng ở ruột già hoặc thậm chí có thể bị giảm cân
  • Bé mệt mỏi, chán ăn, da tái xanh do thiếu máu.
  • Có thể sốt hoặc không sốt
triệu chứng viêm đại tràng ở trẻ em
Tiêu chảy là một trong các triệu chứng thường gặp khi trẻ bị viêm đại tràng

Bệnh viêm đại tràng ở trẻ em có nguy hiểm không?

Bệnh viêm đại tràng khởi phát ngay từ khi trẻ còn nhỏ có thể gây tổn thương đến phần lớn diện tích của đại tràng. Mức độ ảnh hưởng của bệnh đối với đời sống cũng như sức khỏe của trẻ phụ thuộc vào tính chất nghiêm trọng của bệnh.

Trẻ bị tiêu chảy, táo bón, đi cầu ra máu thường xuyên hoặc đau bụng kinh niên không chỉ khiến bé khó chịu mà còn tiềm ẩn nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng khác như mất nước, rối loạn điện giải, bệnh trĩ hay thiếu máu. Ở mức độ nghiêm trọng, tình trạng viêm nhiễm lan rộng và ăn sâu vào trong khiến bé bị viêm loét đại tràng, thủng đại tràng, phình đại tràng, xuất huyết đại tràng ồ ạt hoặc nghiêm trọng hơn là ung thư đại tràng.

Ngoài những ảnh hưởng về mặt sức khỏe, bệnh viêm đại tràng ở trẻ em kéo dài còn có thể tác động tiêu cực đến thể chất cũng như tâm lý của bé. Trẻ bị bệnh thường có biểu hiện chán ăn, kém hấp thụ chất dinh dưỡng dẫn đến chậm tăng trưởng về chiều cao, cân nặng hay trí tuệ. Con bạn cũng có thể trở nên nóng nảy, hay cáu gắt, quấy khóc. Một số trẻ bị viêm đại tràng nặng phải nhập viện điều trị nên cần nghỉ học, từ đó gây gián đoạn đến việc học tập của bé.

Để giảm thiểu những rủi ro trên, bạn nên đưa con tới bệnh viện thăm khám và điều trị từ sớm ngay khi trẻ có các dấu hiệu đầu tiên nghi ngờ mắc bệnh viêm đại tràng.

Chẩn đoán viêm đại tràng ở trẻ em

Tại phòng khám, bác sĩ sẽ trao đổi về lịch sử sức khỏe của con bạn cùng những triệu chứng bé đang gặp phải, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cũng như thời điểm, tần suất xuất hiện của chúng. Ngoài ra, con bạn cũng sẽ được kiểm tra, thăm khám bên ngoài bụng để tìm kiếm vị trí đau và các dấu hiệu có liên quan đến bệnh, đồng thời tiến hành một số xét nghiệm khác để chẩn đoán xác định bệnh một cách chính xác.

 Các xét nghiệm có thể được thực hiện để chẩn đoán viêm đại tràng ở trẻ em bao gồm:

– Xét nghiệm máu:

Trẻ bị viêm đại tràng thường có biểu hiện đi cầu ra máu. Chính vì vậy, bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu máu của con bạn đem vào phòng thí nghiệm để kiểm tra số lượng tế bào hồng cầu xem liệu trẻ có bị thiếu máu hay không.

Số lượng tế bào bạch cầu tăng cao quá mức cũng có thể cho thấy đại tràng của trẻ đang bị nhiễm trùng. Một số chỉ số xét nghiệm máu cũng có thể chỉ ra dấu hiệu viêm cấp tính hay mãn tính trong đại tràng.

Ở một số trẻ, viêm đại tràng kéo dài cũng có thể gây ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng hoặc mất protein trong ruột. Tình trạng này cũng có thể được phản ánh thông qua xét nghiệm máu.

– Xét nghiệm phân: 

Mẫu phân của trẻ nghi ngờ mắc viêm đại tràng sẽ được đem vào phòng thí nghiệm kiểm tra xem có lẫn máu trong phân không ngay cả khi bằng mắt thường chúng ta không thể quan sát được sự hiện diện của máu trong phân của bé. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể tiến hành cấy phân để tìm kiếm vi khuẩn, ký sinh trùng nhằm xác định nguyên nhân gây bệnh viêm đại tràng ở trẻ em.

– Nội soi trên ( Esophagogastroduodenoscopy hay EGD):

Kỹ thuật này cho phép bác sĩ kiểm tra được một số cơ quan nằm trong đường tiêu hóa trên của trẻ, bao gồm thực quản, dạ dày hay tá tràng. Một ống mỏng có kích thước nhỏ và linh hoạt có gắn camera ở đầu sẽ được đưa vào từ miệng của bé qua cổ họng và lần lượt đi đến các bộ phận cần kiểm tra. Nó giúp quan sát được toàn bộ cấu trúc bên trong và phát hiện ra các bất thường nếu có. Ngoài ra, thông qua nội soi, bác sĩ cũng có thể lấy mẫu mô để làm sinh thiết nếu cần.

Phương pháp này được thực hiện nhằm mục đích chẩn đoán phân biệt nguyên nhân gây đau bụng hoặc tình trạng đi cầu ra máu của bé là do viêm đại tràng hay do các bệnh lý ở đường tiêu hóa trên gây ra.

– Nội soi đại tràng:

Đây là kỹ thuật xét nghiệm hình ảnh có giá trị cao trong chẩn đoán bệnh viêm đại tràng ở trẻ em. Khi thực hiện trẻ thường được tiêm thuốc gây mê. Sau đó bác sĩ đưa ống nội soi vào trong đại trực tràng của bé thông qua hậu môn để quan sát niêm mạc ruột già giúp phát hiện ra các tổn thương viêm hay các bất thường khác như khối u, vết loét…

Mẫu mô bị bệnh hay dịch trong đại tràng của trẻ sẽ được đem đi làm xét nghiệm, sinh thiết để tìm kiếm sự hiện diện của vi khuẩn hoặc các tế bào ác tính giúp sàng lọc ung thư đại tràng.

– Thụt bari:

Một chất lỏng được gọi là bari sẽ được đưa vào trong trực tràng của con bạn. Chất này bao phủ toàn bộ niêm mạc đại trực tràng để tổn thương bên trong được nhìn thấy rõ ràng khi chụp X-quang. Hình ảnh trên phim chụp cũng có thể phản ánh tình trạng tắc nghẽn hay bất kỳ vấn đề nào khác xảy ra bên trong đại tràng của trẻ.

Cách điều trị viêm đại tràng ở trẻ em

Sau khi có kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ căn cứ vào các triệu chứng bé đang gặp phải, mức độ tổn thương trong đại tràng cùng nguyên nhân gây bệnh để xây dựng phác đồ điều trị phù hợp cho bé. Các phương pháp được lựa chọn để chữa viêm đại tràng ở trẻ em bao gồm:

1. Dùng thuốc trị viêm đại tràng ở trẻ em

Một số loại thuốc có thể được bác sĩ kê đơn để điều trị triệu chứng và khắc phục nguyên nhân gây bệnh ở trẻ. Thông dụng nhất là các nhóm thuốc sau:

– Thuốc cầm tiêu chảy:

Trẻ bị viêm đại tràng có biểu hiện tiêu chảy thường được chỉ định dùng Loperamide và một số loại thuốc cầm tiêu chảy khác. Thuốc hoạt động bằng cách ức chế nhu động ruột, làm chậm quá trình di chuyển của thức ăn trong ruột.

Tuy nhiên, bạn chỉ nên cho bé uống loại thuốc này đến khi trẻ hết tiêu chảy thì ngưng. Tránh lạm dụng quá mức có thể gây táo bón và nhiều tác dụng phụ khác.

– Thuốc kháng sinh:

Nếu xét nghiệm phân hoặc máu xác định có nhiễm trùng vi khuẩn, thuốc kháng sinh sẽ được chỉ định. Các loại thuốc kháng sinh có thể được bác sĩ kê đơn để điều trị viêm đại tràng ở trẻ em bao gồm:

  • Metronidazole
  • Biseptol
  • Vancomycine,…

– Thuốc kháng viêm:

Chẳng hạn như Mesalamine hay Sulfasalazine. Loại thuốc này giúp giảm hiện tượng viêm nhiễm, phù nề ở niêm mạc đại tràng của bé, đẩy nhanh quá trình chữa lành tổn thương.

– Thuốc nhuận tràng:

Trẻ bị viêm đại tràng có thể được chỉ định các loại thuốc nhuận tràng như Bisacodyl hay Docusate sodium nếu có biểu hiện táo bón kéo dài mà không cải thiện sau khi đã điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt.

– Thuốc giảm đau:

Trẻ có biểu hiện sốt hoặc đau bụng thường được chỉ định các thuốc giảm đau như Paracetamol, Efferalgan,…

Cách chữa viêm đại tràng ở trẻ em bằng thuốc Tây mặc dù có thể giúp giảm nhanh các triệu chứng bệnh nhưng lại khiến bé có nguy cơ gặp nhiều tác dụng phụ. Vì vậy, bạn chỉ nên cho trẻ uống các loại thuốc được bác sĩ chỉ định và tuân thủ đúng về liều lượng, thời gian sử dụng thuốc.

2. Phẫu thuật chữa viêm đại tràng ở trẻ em

Chỉ một số ít trẻ bị viêm đại tràng mới cần thiết phải làm phẫu thuật. Trường hợp này rơi vào nhóm các bé bị bệnh nặng, viêm đại tràng mãn tính tái phát nhiều lần trong năm, có biến chứng hoặc không đáp ứng được với thuốc điều trị.

phẫu thuật điều trị viêm đại tràng ở trẻ em
Trẻ bị viêm đại tràng nặng có thể phải phẫu thuật

Tùy theo tình trạng tổn thương trong ruột già mà bác sĩ có thể đề nghị cắt bỏ một phần hay toàn bộ đại tràng của con bạn. Mặc dù phẫu thuật có thể giúp bé loại bỏ triệu chứng và sửa chữa được tổn thương trong đại tràng nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến chức năng tiêu hóa cũng như sức khỏe và sinh hoạt của bé sau này.

Bên cạnh đó, nếu chỉ cắt bỏ một phần đại tràng, bệnh viêm đại tràng vẫn có thể tái phát và ảnh hưởng đến phần ruột già còn lại. Phẫu thuật không phải là phương pháp điều trị tối ưu cho bệnh viêm đại tràng ở trẻ em và chỉ được áp dụng khi thật sự cần thiết.

Cách chăm sóc cho trẻ bị viêm đại tràng

Trẻ bị viêm đại tràng cần được chăm sóc bằng một chế độ dinh dưỡng hợp lý để cải thiện các triệu chứng khó chịu cho đường tiêu hóa, giúp tăng cường khả năng miễn dịch và góp phần đẩy nhanh hiệu quả của phương pháp điều trị bệnh.

Dưới đây là một số vấn đề bạn cần lưu ý khi chăm sóc cho trẻ bị viêm đại tràng tại nhà:

  • Cho trẻ ăn uống đúng giờ giấc, tốt nhất là lựa chọn các khung giờ cố định trong ngày để tạo thói quen sinh lý tốt cho đường tiêu hóa của bé.
  • Bệnh viêm đại tràng ở trẻ em thường ảnh hưởng lớn đến chức năng tiêu hóa và khả năng hấp thu dưỡng chất của đại tràng. Để giảm thiểu các triệu chứng khó chịu và đảm bảo trẻ được cung cấp đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng trong ngày, bạn nên cho con mình ăn nhiều bữa nhỏ, khoảng 5 – 6 bữa một ngày. Tuy nhiên, lượng thức ăn trong mỗi bữa nên ít lại để giảm gánh nặng cho đường tiêu hóa.
  • Không cho trẻ ăn quá no
  • Trường hợp bé bị tiêu chảy thì không nên cho trẻ sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa chứa lactose.
  • Bổ sung thêm sữa chua, các loại cá béo, rau xanh, trái cây vào trong thực đơn của bé để cải thiện chức năng tiêu hóa, giảm nguy cơ bị táo bón, tiêu chảy cho trẻ bị bệnh.
  • Cho bé uống nhiều nước
  • Thức ăn của trẻ phải được nấu chín kỹ trước khi ăn. Tránh sử dụng nhiều dầu mỡ, gia vị cay khi chế biến thức ăn.
  • Hạn chế cho bé ăn đồ ngọt, đồ béo, thức ăn nhanh
  • Tập cho bé thói quen tập trung khi ăn uống và nhai kỹ trước khi nuốt.

Làm thế nào để phòng ngừa bệnh viêm đại tràng ở trẻ em?

Để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm đại tràng cho trẻ, bạn có thể thực hiện một số biện pháp dự phòng bệnh dưới đây:

  • Luôn nhắc bé rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn hoặc sau mỗi lần đi vệ sinh
  • Khuyến khích trẻ vận động nhiều hơn để cải thiện hệ miễn dịch, kích thích lưu thông máu đến đại tràng và tăng cường chức năng tiêu hóa.
  • Lựa chọn nguồn thực phẩm an toàn để chế biến thức ăn cho bé. Bảo quản thức ăn đúng cách. Không cho trẻ ăn đồ ăn được bày bán ngoài vỉa hè, thức ăn để lâu ngày trong tủ lạnh hoặc có dấu hiệu bị ôi thiu, mốc.
  • Thường xuyên cho bé tham gia các hoạt động ngoài trời hoặc đọc sách báo và trò chuyện với bé nhiều hơn để giúp trẻ bớt căng thẳng.
  • Có chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho bé để đảm bảo hệ tiêu hóa của trẻ phát triển khỏe mạnh và có sức đề kháng tốt hơn.
  • Không đưa trẻ đến những nơi có nhiều khói thuốc lá bởi chất độc trong khói thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm đại tràng ở trẻ em. Nếu trong gia đình có người hút thuốc lá thì nên cai thuốc để bảo vệ sức khỏe cho bé cũng như các thành viên khác.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ khi có ý định sử dụng bất cứ loại thuốc tân dược nào cho bé. Tuyệt đối không được cho bé uống thuốc bừa bãi, nhất là thuốc kháng sinh

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

EMC Đã kết nối EMC