Viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân và cách phòng ngừa

Cập nhật: 19/04/2024

Bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh do virus gây ra, chủ yếu là virus hợp bào hô hấp. Chúng tấn công trực tiếp vào các phế quản có đường kính dưới 2mm và khiến khu vực ảnh hưởng bị sưng viêm, phù nề và tắc nghẽn do sản xuất nhiều dịch nhầy. Trẻ sơ sinh bị viêm tiểu phế quản có nguy cơ bị viêm phổi, suy hô hấp cao nếu không được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh

Viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở các phế quản nhỏ đưa không khí vào trong phổi có đường kính dưới 2mm. Bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ sơ sinh từ 3 – 6 tháng tuổi.

viêm tiểu phế quản ở trẻ ở sinh
Bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh do virus gây ra

Nhiễm virus chính là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh. Trong số các ca nhiễm bệnh thì có đến 30 – 50% các trường hợp mắc bệnh là do một loại virus hợp bào hô hấp có tên Respiratoire Syncytial, 25% do virus cúm và 10% là do virus Adenovirus.

Trong những tháng đầu đời khi mới sinh ra, hệ miễn dịch của trẻ còn chưa phát triển hoàn thiện nên rất dễ bị virus tấn công. Chúng xâm nhập vào trong cơ thể và khiến các tiểu phế quản bị tổn thương, viêm nhiễm, phù nề, từ đó làm thu hẹp đường đi của không khí đến phổi của bé.Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh. Bao gồm:

  • Trẻ sinh bằng phương pháp mổ hoặc không được bú sữa mẹ đầy đủ khiến cho sức đề kháng yếu và dễ nhiễm mầm bệnh.
  • Trong gia đình có người bị cảm cúm hoặc bị nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus hợp bào gây ra.
  • Trẻ có tiền sử bị viêm mũi, viêm họng, viêm VA hay viêm amidan,… do virus
  • Trẻ mắc bệnh ở tim, phổi bẩm sinh
  • Môi trường sống có người hút thuốc lá
  • Trẻ bị suy giảm miễn dịch
  • Trẻ sinh non khi chưa được 36 tuần hoặc trẻ sinh nhẹ cân ( dưới 2,5kg)
  • Các trường hợp bị tăng áp lực động mạch ở phổi
  • Trẻ sơ sinh bị bệnh phổi mãn tính, còn gọi là loạn sản phẩm
  • Trẻ bị suy dinh dưỡng nặng

Triệu chứng viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh

Khi bị nhiễm trùng, tiểu phế quản của trẻ trở nên sưng viêm, phù nề và tiết ra nhiều dịch nhầy. Nó gây tắc nghẽn đường thở và khiến bé gặp nhiều dấu hiệu bất thường như:

  • Ho, sau khoảng 3 – 5 ngày cơn ho ngày càng tăng nặng hơn
  • Sổ mũi, nước mũi trong
  • Nóng sốt ở mức độ vừa hoặc sốt cao
  • Khó thở, thở rít, thở khò khè
  • Nhịp thở nhanh, rút lõm ở lồng ngực
  • Trẻ bỏ bú
  • Cơ thể tím tái hoặc ngừng thở

Thông thường, cơn khò khè ở trẻ sơ sinh bị viêm tiểu phế quản thường kéo dài trong khoảng 7 ngày. Triệu chứng ho cũng có khuynh hướng thuyên giảm dần trong 14 ngày và dứt hẳn khi bé được chăm sóc, điều trị đúng cách. Mặc dù vậy, vẫn có khoảng 1/5 số trẻ mắc bệnh có triệu chứng kéo dài trong nhiều tuần lễ.

Các giai đoạn bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh

Căn cứ vào mức độ nghiêm trọng, bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh được chia thành 4 giai đoạn phát triển như sau:

– Giai đoạn nhẹ: 

  • Nhịp thở bình thường
  • Cơ hô hấp phụ của trẻ có biểu hiện co kéo nhẹ
  • Nhịp tim bình thường
  • Trẻ vẫn ăn uống tốt

– Giai đoạn vừa: 

  • Nhịp tim và nhịp thở tăng
  • Co kéo ở các cơ hô hấp phụ ở mức độ trung bình hoặc đáng kể
  • Thở rên
  • Hai bên cánh mũi phập phồng khi thở
  • Phổi ra
  • Ăn uống kém
  • Có dấu hiệu mất nước nhẹ

triệu chứng viêm tiểu phế quản ở trẻ ở sinh
Bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ ở sinh khiến trẻ khó thở, hay quấy khóc

– Giai đoạn nặng:

  • Tăng nhịp thở đáng kể
  • Các cơ hô hấp phụ co kéo mạnh
  • Xuất hiện cơn ngừng thở
  • Nhịp tim của trẻ tăng đáng kể
  • Trẻ bỏ ăn, có biểu hiện mất nước
  • Ra nhiều mồ hôi
  • Vẻ mặt nhiễm độc

Giai đoạn rất nặng:

  • Cơ thể tím tái
  • Hơi thở rất yếu

Viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh có lây không?

Bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh do virus gây ra nên có khả năng lây truyền cho người khác. Đặc biệt là các trường hợp bị bệnh do nhiễm virus hợp bào có khả năng lây lan rất mạnh, có khi thành dịch bệnh. Các bé lớn hơn hoặc người trưởng thành nếu bị lây nhiễm virus thì mức độ ảnh hưởng thường nhẹ hơn so với trẻ sơ sinh.

Các con đường lây truyền của virus gây bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ em bao gồm:

  • Tiếp xúc với giọt bắn từ miệng hay mũi của người bệnh khi hắt hơi hoặc ho
  • Cho tay vào miệng hay mũi sau khi chạm vào khu vực chứa virus
  • Sử dụng chung thìa, đũa, ly uống nước hay các dụng cụ vệ sinh răng miệng.

Bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?

Bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh nếu không được điều trị tốt có thể tiến triển ngày càng nặng và khiến trẻ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Suy hô hấp, ngừng thở
  • Viêm phổi
  •  Xẹp phổi do ảnh hưởng của tình trạng tắc đàm

Phương pháp chẩn đoán viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh

Những kỹ thuật hiện đang được áp dụng để chẩn đoán bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh bao gồm:

– Thăm khám lâm sàng:

  • Bác sĩ trao đổi các triệu chứng trẻ đang gặp phải và ghi nhận một số thông tin liên quan như tiền sử mắc bệnh, khả năng ăn uống, ngủ nghỉ của bé, các loại thuốc cha mẹ đã sử dụng để điều trị bệnh cho bé…
  • Dùng tai nghe để nghe nhịp tim và phổi
  • Quan sát bên ngoài lồng ngực của trẻ để tìm kiếm dấu hiệu co rút sườn và lồng ngực

chẩn đoán viêm tiểu phế quản ở trẻ ở sinh
Một số kỹ thuật y tế được sử dụng để chẩn đoán viêm tiểu phế quản ở trẻ ở sinh

– Xét nghiệm:

  • Chụp X-quang phổi: Phổi ứ khí, một số vùng có tiểu phế quản bị viêm sáng hơn bình thường hoặc có biểu hiện xẹp phổi từng vùng.
  • Xét nghiệm công thức máu: Trẻ bị bệnh thường có số lượng bạch cầu bình thường hoặc sụt giảm. Bạch cầu lympho có thể tăng.
  • Kiểm tra khí máu: Xét nghiệm này được thực hiện cho các bệnh nhi có biểu hiện viêm tiểu phế quản nặng. Trẻ mắc bệnh thường có chỉ số SaO2 giảm xuống dưới 92%, PaO2 thấp hơn 60 mmHg và chỉ số PaCO2 tăng.
  • PCR hay test nhanh: Dùng mẫu dịch lấy từ mũi họng hay nội khí quản của trẻ để phân lập virus.

– Chẩn đoán phân biệt:Bác sĩ sẽ dựa trên triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm để chẩn đoán bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh với các bệnh lý khác có triệu chứng tương đồng như:

  • Hen phế quản
  • Viêm phế quản phổi
  • Viêm phế quản co thắt
  • Ho gà
  • Mềm sụn thanh quản

Cách điều trị viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh

Phác đồ chữa viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh cần phải tuân thủ theo các nguyên tắc sau:

  • Khắc phục triệu chứng bệnh
  • Truyền nước và chất điện giải cho trẻ có biểu hiện mất nước do nôn ói nhiều
  • Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho bé, giúp trẻ mau phục hồi sức khỏe
  • Đảm bảo cơ thể trẻ có đầy đủ canxi

1. Phác đồ trị viêm tiểu phế quản cho trẻ sơ sinh ở mức độ nhẹ

Trẻ sơ sinh bị viêm tiểu phế quản nhẹ thường được theo dõi và điều trị tại nhà. Các phương pháp được thực hiện bao gồm:

  • Cho trẻ uống nhiều nước, tăng lượng cữ bú. Trẻ đến tuổi ăn dặm thì chia nhỏ làm nhiều bữa ăn trong ngày để hạn chế tình trạng nôn ói và giúp bé được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng
  • Dùng thuốc hạ sốt khi bé bị sốt từ 38,5 độ trở lên
  • Vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên với nước muối sinh lý
  • Tái khám sau mỗi 2 ngày cho đến khi khỏi bệnh
  • Trường hợp điều trị tại nhà mà bệnh vẫn tiếp tục tăng nặng thì đưa ngay bé đến bệnh viện.

2. Điều trị viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh mức độ trung bình

Trẻ bị viêm tiểu phế quản trung bình được chỉ định nhập viện điều trị nếu có biểu hiện kém ăn, bỏ bú hoặc thiếu oxy. Phương pháp chữa bệnh trong giai đoạn này như sau:

  • Trẻ được thở oxy giúp duy trì mức SpO2 trên 92%
  • Cho bé bú nhiều cữ hoặc ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày
  • Dùng nước muối sinh lý vệ sinh mũi họng cho bé nhiều lần trong ngày
  • Trường hợp bị mất nước thì truyền dịch
  • Phun khí dung Ventolin 2 lần với liều lượng 0.15 mg/kg/lần. Khoảng cách giữa 2 lần phun là 20 phút. Đánh giá lại kết quả sau 1 tiếng: Nếu đáp ứng tốt thì duy trì phun khí dung sau mỗi 4 – 6 giờ, nếu không đáp ứng thì ngưng dùng khí dung.
  • Nuôi ăn qua sonde dạ dày nếu: Nhịp thở trên 70-80 lần/phút, nôn ói nhiều khi ăn uống bằng đường miệng, trẻ đang thở oxy nhưng lượng SpO2 vẫn dưới 90% khi đang ăn hoặc bú, động tác – mút, nuốt và hô hấp phối hợp không đồng nhất.
  • Dùng nước muối ưu trương tỷ lệ 3% cho những bệnh nhi có biểu hiện thở khò khè lần đầu và đã sử dụng thuốc giãn phế quản nhưng không đạt hiệu quả tốt.
cách điều trị viêm tiểu phế quản ở trẻ ở sinh
Phun khí dung được chỉ định để điều trị viêm tiểu phế quản ở trẻ ở sinh có biểu hiện ho khò khè, khó thở do co thắt tiểu phế quản

3. Cách chữa viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh mức độ nặng

Trẻ bị bệnh nặng sẽ được theo dõi chặt chẽ tại phòng cấp cứu của bệnh viện. Các phương pháp điều trị được áp dụng bao gồm:

  • Thở oxy
  • Truyền dịch cho bệnh nhi bị mất nước
  • Phun khí dung theo liều lượng được khuyến cáo ở trên
  • Dùng các thuốc Corticoid, chẳng hạn như Prednisolon (1-2 mg/kg/ngày) hay Methylprednisolon ( 1-2 mg/kg/ngày ) cho những trẻ có dấu hiệu nghi ngờ bị hen suyễn hoặc bị suy hô hấp. Thời gian điều trị trong 3 – 5 ngày.
  • Trường hợp trẻ sơ sinh bị viêm tiểu phế quản bội nhiễm được chỉ định điều trị bằng kháng sinh
  • Xem xét đặt nội khí quản hoặc cho bé thở máy nếu SpO2 < 90% và PaCO2> 70 mm Hg.

4. Điều trị cho trẻ sơ sinh bị viêm tiểu phế quản mức độ rất nặng

Trẻ được điều trị tại bệnh viện. Các phương pháp có thể được áp dụng bao gồm:

  • Thường xuyên kiểm tra mạch, nhịp thở cũng như độ bão hòa oxy
  • Xét nghiệm kiểm tra khí máu động mạch
  • Cho trẻ thở máy hoặc thở CPAP
  • Truyền dịch cho các trường hợp bị mất nước
  • Phun khí dung

Cách chăm sóc cho trẻ sơ sinh bị viêm tiểu phế quản

Ngoài việc tích cực điều trị cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ, cha mẹ cần chăm sóc bé đúng cách để trẻ nhanh phục hồi sức khỏe. Liên quan đến vấn đề này, cha mẹ cần lưu ý:

cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị viêm tiểu phế quản
Trẻ sơ sinh bị viêm tiểu phế quản cần được chăm sóc đúng cách để mau hồi phục sức khỏe
  • Dùng gối kê cao đầu của bé khi nằm để trẻ dễ thở hơn
  • Cho bé ăn thức ăn loãng
  • Vỗ rung để làm long đàm nhầy trong đường thở của trẻ
  • Hút đờm dãi
  • Rửa mũi bằng nước muối sinh lý cho bé thường xuyên để làm thông thoáng đường thở
  • Khuyến khích bé uống nhiều nước và ăn đầy đủ các bữa trong ngày
  • Cho trẻ uống thuốc đủ liều lượng và đúng giờ giấc được bác sĩ hướng dẫn
  • Không mang trẻ đến những nơi đông người hoặc khu vực có nhiều phấn hoa, bụi bẩn, khói thuốc lá.
  •  Đưa bé tới bệnh viện tái khám đều đặn và đúng hẹn cho đến khi bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh được điều trị triệt để.

Cách phòng ngừa viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh

Một số cách dưới đây có thể giúp ngăn ngừa bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh:

  • Tránh để trẻ tiếp xúc với người đang bị cảm lạnh, cảm cúm hoặc mắc các bệnh lý viêm đường hô hấp.
  • Mang khẩu trang cho bé nếu bắt buộc phải đến những nơi đông người
  • Thường xuyên tắm rửa cho trẻ và rửa tay cho bé bằng xà phòng diệt khuẩn, đặc biệt là trước khi ăn.
  • Không để bé có thói quen ngậm tay, ngậm đồ chơi hay ăn bốc
  • Thường xuyên rửa đồ chơi và giặt giũ chăn màn, vỏ gối của bé
  • Lắp đặt máy không khí trong nhà để giữ cho đường thở của trẻ không bị kích ứng. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng cần chú ý vệ sinh máy thường xuyên để nấm mốc không có cơ hội phát triển.
  • Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C, rau xanh và trái cây trong chế độ ăn hàng ngày giúp trẻ nâng cao sức đề kháng.
  • Giữ ấm cơ thể cho bé trong những ngày trời lạnh hoặc khi thời tiết giao mùa.

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

EMC Đã kết nối EMC