Chàm thể tạng là gì? Những điều cần biết về bệnh

Cập nhật: 01/04/2024

Chàm thể tạng được các chuyên gia Da liễu nhận định là một trong những thể thường gặp của bệnh chàm. Tình trạng nổi ban dát đỏ, phù nề, xuất hiện mụn nước trên da, chảy dịch, da bị khô, bong vảy… là những triệu chứng đặc trưng của bệnh. Thể bệnh này có thể kích hoạt ở mọi đối tượng nhưng phổ biến nhất là ở trẻ từ 2 tuần cho đến 2 tuổi.

bệnh chàm thể tạng
Chàm thể tạng là một trong những thể bệnh khá thường gặp của bệnh chàm

Bệnh chàm thể tạng là gì?

Chàm thể tạng còn được gọi là eczema thể địa hay viêm da thể tạng – một thể bệnh thường gặp của bệnh chàm. Thể bệnh này đặc trưng bởi sự xuất hiện tổn thương da xung huyết, có mụn nước, chảy dịch, phù nề, da bị khô ráp, dày sừng hay bong vảy tiết. Đi kèm với những tổn thương trên da này chính là tình trạng ngứa ngáy kéo dài dai dẳng rất khó chịu.

Bệnh chàm thể tạng có cơ chế hình thành phức tạp hơn nhiều so với các thể chàm khác. Nó có sự liên quan mật thiết với yếu tố cơ địa cũng như hoạt động tăng kháng nguyên IgE. Các chuyên gia lý giải rằng, kháng nguyên IgE khi được giải phóng vào huyết tương sẽ khiến cho hệ miễn dịch phản ứng quá mẫn. Từ đó làm bùng phát những tổn thương ở ngoài da.

Thể bệnh chàm này thường có xu hướng khởi phát sớm, chủ yếu ở trẻ từ 2 tuần – 2 tuổi. Và khi trưởng thành thì tình trạng bệnh sẽ thuyên giảm dần. Bệnh chàm thể tạng hay kích hoạt cùng với các bệnh liên quan tới cơ địa khác như viêm mũi dị ứng, hen suyễn…

Cũng giống như các thể chàm khác, eczema thể địa không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Trường hợp không can thiệp sớm, bệnh có thể diễn tiến nặng, các triệu chứng trở nên nặng nề, tổn thương da lan rộng và có nguy cơ bội nhiễm rất cao.

Các nguyên nhân chính gây bệnh chàm thể tạng

Hiện các nhà khoa học vẫn chưa tìm thấy được nguyên nhân trực tiếp kích hoạt sự bùng phát của bệnh. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã ghi nhận rằng, các yếu tố dưới đây có thể liên quan:

  • Cơ địa nhạy cảm: Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, có khoảng 80% bệnh nhân bị viêm da thể tạng có chỉ số kháng nguyên IgE tăng cao. Nồng độ IgE càng cao thì triệu chứng biểu hiện càng nghiêm trọng. Chính vì thế mà bệnh lý này thường có nguy cơ khởi phát cao ở người có cơ địa nhạy cảm.
  • Yếu tố di truyền: Số liệu thống kê chỉ ra rằng, có tới 70% ca bệnh có tiền sử người thân cận huyết mắc các bệnh như chàm, viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng hay hen suyễn.
  • Căng thẳng thần kinh: Yếu tố này cũng được ghi nhận là một trong những nguyên nhân liên quan đến sự kích thích viêm da thể tạng bùng phát. Trong trường hợp đã phát bệnh thì căng thẳng, stress sẽ thúc đẩy tổn thương da lan rộng, gây ngứa ngáy dữ dội và dai dẳng.
  • Yếu tố dị nguyên: Hóa chất, phấn hoa, mạt bụi, dung môi công nghiệp, thức ăn… cũng có thể kích thích hệ thống miễn dịch giải phóng kháng nguyên. Từ đó làm tăng phản ứng quá mẫn, đồng thời gây tổn thương da.

Ngoài ra, bệnh chàm thể tạng còn có thể dễ dàng kích hoạt hơn do sự cộng hưởng từ các yếu tố khác. Phải kể đến như:

  • Rối loạn nồng độ hormone trong cơ thể
  • Mắc các bệnh lý về tuyến giáp
  • Sinh sống trong vùng khí lạnh
  • Môi trường sống có chỉ số ô nhiễm cao
  • Gặp phải các vấn đề nhiễm trùng
  • Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nam giới

Cách nhận biết bệnh chàm thể tạng theo từng độ tuổi

Các triệu chứng của bệnh chàm thể tạng có thể kích hoạt ở bất cứ vùng da nào trên cơ thể. Trong đó da mặt và da chân tay là những khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Khi mắc bệnh, các triệu chứng sau có thể sẽ xuất hiện:

  • Phát ban đỏ trên bề mặt da
  • Có thể xuất hiện nhiều mụn nước nhỏ, dễ vỡ
  • Bề mặt da khô ráp và sần sùi
  • Tình trạng ngứa rát, khó chịu xuất hiện tại vùng da bị bệnh
  • Da có dấu hiệu bong vảy tiết

Trên đây là những triệu chứng chung của bệnh, ở từng đối tượng, tùy theo độ tuổi mà các dấu hiệu nhận biết có thể khác nhau. Cụ thể như sau:

1. Triệu chứng chàm thể trạng ở trẻ sơ sinh

Bệnh có xu hướng xuất hiện khi trẻ từ 2 tuần cho đến khoảng 2 tuổi. Trong đó thường gặp nhất ở những trẻ 2 – 3 tháng tuổi, trẻ có cơ thể bụ bẩm thì nguy cơ mắc bệnh thường cao hơn.

Ở thời kỳ nhũ nhi, bạn có thể nhận biết trẻ mắc eczema thể địa thông qua các triệu chứng sau:

  • Các vùng da trán, má, cổ, mặt duỗi của các chi, bẹn, quanh miệng, thân mình… xuất hiện các tổn thương có hình móng ngựa.
  • Tổn thương da có dạng ban dát đỏ, trên bề mặt thường xuất hiện nhiều mụn nước mọc san sát nhau.
  • Mụn nước nhỏ li ti thường tự vỡ, gây chảy dịch và trợt loét.
  • Trường hợp xuất hiện nhiễm khuẩn thứ phát thì da trẻ có thể bị sưng nóng, xuất hiện mủ hay có vảy tiết.
  • Những tổn thương ngoài da gây ngứa, đi kèm với tình trạng viêm tai giữa hay đi ngoài ra phân lỏng.
Đối với trẻ sơ sinh, triệu chứng thực thể thường khởi phát ở vùng má

2. Các dấu hiệu chàm thể tạng ở trẻ em

Có thể gặp ở những trẻ từ 2 cho tới 18 tuổi. Trong giai đoạn này thì bệnh có khả năng đi kèm với hiện tượng viêm kết mạc và đục thủy tinh thế.

Dấu hiệu nhận biết viêm da thể tạng ở trẻ em bao gồm:

  • Tổn thương trên da xuất hiện dưới dạng lichen hóa, có dấu hiệu nổi cộm, dày sừng và thâm nhiễm.
  • Lâu dần, tổn thương sẽ sậm màu hay chuyển thành màu trắng do da bị bong nhiều vảy.
  • Gây ngứa ngáy từ âm ỉ tới dữ dội kèm theo.
  • Triệu chứng cơ năng thường khởi phát ở đầu gối và vùng da có nếp gấp sau đó mới dần lan tỏa trên diện rộng.

3. Triệu chứng chàm thể tạng ở người lớn

Tình trạng eczema thể địa thường rất ít khi xảy ra ở người lớn, chỉ chiếm khoảng 10% tổng số ca bệnh. Trường hợp phát bệnh từ nhỏ và kéo dài dai dẳng tới khi trưởng thành thì tổn thương da thường không điển hình. Có thể dễ thấy da bị khô, bong tróc nhẹ và rất dễ kích ứng.

Sau đây là một số triệu chứng chàm thể trạng ở người lớn:

  • Tổn thương da xuất hiện ở dạng mãn tính (hằn cổ trâu hoặc lichen hóa).
  • Da bị khô, dày sưng, bong tróc vảy nhiều và gây ngứa ngáy dữ dội.
  • Mặt, quanh mắt, cổ, gáy, khuỷu tay, đầu gối là những vị trí dễ kích hoạt triệu chứng thực thể nhất.
  • Ở trường hợp phụ nữ, viêm nha thể tạng có thể làm phát sinh tình trạng viêm môi hay viêm núm vú.

Chẩn đoán bệnh chàm thể tạng như thế nào?

Trước tiên bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng lâm sàng để đưa ra chẩn đoán ban đầu. Việc khai thác tiền sử bệnh của cá nhân và người thân cận huyết cũng được cho là có thể hỗ trợ tích cực quá trình chẩn đoán.

Trong các trường hợp cần thiết thì bác sĩ có thể chỉ định các thủ thuật sinh thiết da hay xét nghiệm tìm dị nguyên. Những kỹ thuật chẩn đoán này chỉ được thực hiện khi bệnh diễn tiến nặng với tổn thương da có xu hướng lan tỏa toàn thân.

Các phương án điều trị và dự phòng bệnh chàm thể tạng

Bệnh chàm thể tạng đến nay vẫn chưa có phương án nào có thể điều trị triệt để. Mục đích của quá trình điều trị là kiểm soát diễn tiến, ngăn ngừa bệnh trở nặng. Đồng thời cải thiện các triệu chứng cơ năng và khắc phục tổn thương trên da.

Có thể kết hợp các phương án điều trị bảo gồm chăm sóc da, sử dụng thuốc hay áp dụng quang trị liệu khi cần thiết. Tùy thuộc vào mức độ biểu hiện triệu chứng và thể trạng người bệnh mà sự đáp ứng của các phương pháp có thể đạt được ở các mức độ khác nhau.

1. Dưỡng ẩm cho làn da

Đối với quá trình điều trị những tổn thương trên da do bệnh chàm thể tạng gây ra thì bước dưỡng ẩm da được đánh giá là rất quan trọng. Giữ độ ẩm cho làn da ở trạng thái cân bằng sẽ hạn chế mức độ lan rộng của bệnh, đồng thời có thể làm dịu da và giảm ngứa ngáy. Ngoài ra, dưỡng ẩm tốt còn giúp hỗ trợ làm giảm các tình trạng khô ráp và bong tróc da.

Nên tham khảo bác sĩ để được tư vấn lựa chọn loại sản phẩm dưỡng ẩm lành tính, tránh gây kích ứng. Cần chú ý thoa kem với 1 lớp mỏng nhẹ sau khi đã vệ sinh da sạch sẽ khoảng 3 phút để làn da của bạn có thể hấp thụ tốt nhất dưỡng chất.

2. Sử dụng thuốc

Đối với bệnh eczema thể địa thì việc sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da thường được ưu tiên. Nhóm thuốc này có tác dụng giảm ngứa và cải thiện tổn thương da, đồng thời ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng. Trong một số trường hợp cần thiết thì thuốc uống sẽ được chỉ định kết hợp để giúp kiểm soát bệnh tốt hơn.

Dưới đây là một số loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định:

  • Thuốc mỡ corticoid:

Nhóm thuốc này có tác dụng làm dịu và cấp ẩm cho vùng da bị tổn thương, đồng thời hỗ trợ giảm ngứa và giảm viêm rất tốt. Cần chú ý bởi corticoid dễ gây các tác dụng phụ như teo da, mỏng da, giãn mao mạch, nổi mụn trứng cá… Chính vì thế mà chúng chỉ được sử dụng trên phạm vi nhỏ trong vòng 1 – 2 tuần.

  • Thuốc ức chế calcineurin:

Loại thuốc này có tác dụng tương tự giống với corticoid nhưng lại ít làm phát sinh các tác dụng ngoại ý. Chính vì thế mà có thể dùng thay thế hay xen kẽ luân phiên với corticoid để giảm nguy cơ gặp tác dụng phụ từ corticoid.

  • Thuốc kháng Histamine:

Đây cũng là loại thuốc được dùng phổ biến trong điều trị bệnh chàm thể tạng với các tác dụng làm giảm ngứa và ức chế quá trình giải phóng chất trung gian histamine. Từ đó có thể làm giảm phản ứng dị ứng và ngăn ngừa sự xuất hiện của các triệu chứng trên da.

  • Thuốc kháng sinh:

Có thể được sử dụng đồng thời cả dạng bôi và dạng uống kết hợp trong trường hợp xuất hiện bội nhiễm. Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế vi khuẩn rất tốt nếu sử dụng đều đặn và đúng liều theo chỉ định từ bác sĩ.

điều trị chàm thể tạng
Bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc bôi phù hợp để hỗ trợ kiểm soát bệnh

Ngoài ra, với các trường hợp nặng thì bác sĩ có thể chỉ định sử dụng corticoid đường uống ở liều thấp trong thời gian ngắn. Mục đích là để kiểm soát tổn thương da lan rộng, giảm phù nề và ngăn ngừa dị ứng.

3. Quang trị liệu

Biện pháp này đặc trưng bởi việc sử dụng tia UV nhân tạo để chiếu trực tiếp lên vùng da bị tổn thương để làm giảm hiện tượng tăng sinh tế bào chết. Đồng thời hỗ trợ cải thiện tình trạng ngứa ngáy và giúp làm sạch tổn thương da.

Bác sĩ có thể tiến hành chiếu tia UVA hay UVB trong trường hợp người bệnh đáp ứng kém với điều trị bằng thuốc. Cần cẩn trọng bởi lạm dụng quang trị liệu có thể thức đẩy tốc độ lão hóa và làm tăng nguy cơ ung thư da.

4. Chăm sóc và dự phòng

Ngoài việc điều trị bằng thuốc và quang trị liệu thì các bác sĩ da liễu khuyến cáo rằng, người bệnh chàm thể tạng nên chú ý chăm sóc tốt tại nhà. Điều này sẽ giúp hỗ trợ làm giảm triệu chứng, tránh nguy cơ lạm dụng thuốc và ngăn ngừa bệnh tái phát. Thực tế ghi nhận, chăm sóc tốt kết hợp điều trị khoa học sẽ giúp bệnh thuyên giảm nhanh chóng và ít tái phát hơn.

Dưới đây là các biện pháp chăm sóc với bệnh chàm thể tạng:

  • Chủ động tránh xa các yếu tố có nguy cơ gây kích thích như nấm mốc, hóa chất, xà phòng hay các loại thức ăn gây dị ứng…
  • Tuyệt đối không dùng tay gãi cào hay chà xát lên vùng da đang bị tổn thương. Bởi thói quen này có thể gây ra tình trạng trợt loét và làm tăng nguy cơ bội nhiễm.
  • Uống nhiều nước, bên cạnh nước lọc nên bổ sung các loại nước ép từ rau củ quả để tăng cường độ ẩm tự nhiên cho làn da. Đồng thời nâng cao sức đề kháng và thúc đẩy quá trình chữa lành các tổn thương trên da.
  • Vào những ngày hanh khô nên dùng máy tạo độ ẩm trong không gian sống để hạn chế tình trạng da bị mất nước, khô ráp, bong tróc nhiều.
  • Kiểm soát căng thẳng, dành thời gian cho việc nghỉ ngơi, đặc biệt là trong thời điểm bệnh mới bùng phát.
  • Có thể tắm nước ấm trong khoảng 10 phút để hỗ trợ làm mềm vùng da tổn thương đồng thời loại bỏ vảy bong và giúp giảm ngứa nhẹ.

Chàm thể tạng là bệnh lý mãn tính thường có xu hướng diễn tiến nặng rất nhanh nếu không có biện pháp can thiệp đúng đắn. Chính vì thế, bên cạnh việc chăm sóc tại nhà, bạn nên chủ động thăm khám để được hướng dẫn dùng thuốc. Điều này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình kiểm soát bệnh, ngăn ngừa bội nhiễm và giúp tổn thương da chóng lành

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

EMC Đã kết nối EMC