Chàm dị ứng là gì? Biểu hiện nhận biết và cách điều trị

Cập nhật: 30/03/2024

Chàm dị ứng là một dạng tổn thương da mãn tính và chỉ khởi phát khi có phản ứng dị ứng. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng da ngứa, nổi sẩn đỏ, mụn nước, khô ráp, bong tróc và dày sừng. Vì chưa tìm được nguyên nhân cụ thể nên việc điều trị bệnh lý này còn gặp nhiều bất lợi. Do đó để giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh, cần kết hợp việc dùng thuốc với lối sống lành mạnh.

Bệnh chàm dị ứng là gì?

Chàm dị ứng là một trong những thể chàm thường gặp – hay còn được gọi là viêm da tiếp xúc dị ứng. Thể chàm này thường khởi phát tổn thương ngay sau khi tiếp xúc với các yếu tố dị ứng như thời tiết, thực phẩm, phấn hoa,… Chàm dị ứng là bệnh da liễu mãn tính, có xu hướng bùng phát mạnh khi có yếu tố thúc đẩy và thuyên giảm khi được chăm sóc đúng cách.

Thể chàm này có thể gặp ở trẻ nhỏ và người lớn. Tuy nhiên theo thống kê, bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ nhỏ và có xu hướng giảm nhẹ khi trưởng thành. Ở một số ít trường hợp, chàm dị ứng có thể đi kèm với các vấn đề sức khỏe liên quan đến yếu tố dị ứng như viêm mũi dị ứng hoặc hen suyễn.

Mặc dù là bệnh ngoài da và hầu như không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe chung. Tuy nhiên do tính chất ngứa ngáy nhiều nên bệnh lý này tác động không nhỏ đến đời sống sinh hoạt. Tương tự các thể chàm eczema khác, chàm dị ứng chưa thể điều trị dứt điểm. Vì vậy mục đích chính của việc điều trị là cải thiện ngứa, giảm tổn thương da và hạn chế nguy cơ bệnh tái phát.

Biểu hiện nhận biết bệnh chàm dị ứng

Triệu chứng của chàm dị ứng chỉ bùng phát khi có phản ứng dị ứng. Trong đó, hình thái tổn thương và vị trí ảnh hưởng của bệnh phụ thuộc nhiều vào cơ địa và yếu tố dị nguyên.

Nếu dị ứng xảy ra do tiếp xúc, tổn thương chủ yếu khu trú ở phạm vi da có tiếp xúc vật lý với dị nguyên. Tuy nhiên nếu phát sinh do phản ứng dị ứng toàn thân (dị ứng thời tiết, dị ứng thức ăn), triệu chứng của bệnh có thể ảnh hưởng đến phạm vi da rộng hoặc có xu hướng lan tỏa toàn thân.

bệnh chàm dị ứng
Hình ảnh của bệnh chàm dị ứng

Các triệu chứng thường gặp của bệnh chàm dị ứng, bao gồm:

  • Da ngứa ngáy, nổi mụn nước và sẩn đỏ
  • Mụn nước vỡ gây rỉ dịch, phù nề và trợt loét
  • Xuất hiện vảy tiết trên nề da đỏ, da dày và nhẵn
  • Sau đó da khô lại, có dấu hiệu nứt nẻ và bong vảy
  • Một số trường hợp có thể xuất hiện tình trạng bội nhiễm (da đỏ, sưng nề, lở loét và tụ mủ)

Nguyên nhân gây chàm dị ứng

Bệnh chàm eczema nói chung và thể chàm dị ứng đều có mối liên hệ với cơ chế miễn dịch. Tuy nhiên thể chàm này chỉ khởi phát khi tiếp xúc với yếu tố dị ứng như thời tiết, hóa mỹ phẩm, thức ăn,…

Các yếu tố nội giới (hệ miễn dịch suy giảm, rối loạn nội tiết,…) không tham gia vào cơ chế bệnh sinh. Tuy nhiên các yếu tố này có thể khiến tổn thương da bùng phát mạnh và tiến triển kéo dài.

Một số nguyên nhân và yếu tố rủi ro có thể gây bệnh chàm dị ứng, bao gồm:

  • Yếu tố di truyền: Bệnh chàm và các bệnh da liễu mãn tính (vảy nến) đều có liên quan mật thiết đến yếu tố di truyền. Vì vậy nếu có cha mẹ mắc các thể của bệnh chàm, bạn sẽ có nguy cơ bị chàm dị ứng cao hơn bình thường.
  • Tiếp xúc với dị nguyên: Tiếp xúc với xi măng, hóa mỹ phẩm, kim loại, nước hoa, thuốc nhuộm quần áo, thuốc bôi,… có thể kích thích phản ứng dị ứng và gây bùng phát tổn thương trên da.
  • Dị ứng toàn thân: Ngoài ra bệnh chàm dị ứng còn có thể khởi phát do một số tình trạng dị ứng khác như dị ứng thời tiết, dị ứng thực phẩm, dị ứng thuốc uống,… Nếu khởi phát từ phản ứng dị ứng toàn thân, tổn thương da thường có xu hướng lan tỏa nhanh và xảy ra trên phạm vi rộng.

Chẩn đoán bệnh chàm dị ứng

Các triệu chứng của bệnh chàm dị ứng không có tính đặc trưng cao. Vì vậy trước khi áp dụng các biện pháp điều trị, bạn nên gặp bác sĩ da liễu để được chỉ định các kỹ thuật chẩn đoán như sau:

  • Test dị nguyên: Test dị nguyên được thực hiện bằng cách dán miếng test chứa dị nguyên nghi ngờ lên da ở vùng lưng trong 48 giờ. Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành tháo miếng test và kiểm tra tình trạng da. Kỹ thuật này giúp xác định tổn thương da có phải do dị ứng hay không và tác nhân gây dị ứng.
  • Sinh thiết da: Sinh thiết da sử dụng mẫu da khô, bong tróc tại vùng da bị ảnh hưởng. Sau đó đem xét nghiệm mô bệnh học nhằm đưa ra chẩn đoán cuối cùng.

Các phương pháp điều trị bệnh chàm dị ứng

Như đã đề cập, bệnh chàm dị ứng không thể chữa trị hoàn toàn. Vì vậy để kiểm soát triệu chứng và ngăn chặn tiến triển của bệnh, cần kết hợp giữa các biện pháp điều trị y tế với chế độ chăm sóc và lối sống lành mạnh.

1. Lối sống và cách chăm sóc

Chàm dị ứng là hệ quả do cơ địa dị ứng kết hợp với các yếu tố kích thích. Vì vậy bệnh chỉ khởi phát triệu chứng khi tiếp xúc với dị nguyên.

bệnh chàm dị ứng là gì
Dưỡng ẩm đều đặn giúp làm mềm da, giảm ngứa và cải thiện tình trạng bong tróc

Để ngăn ngừa tổn thương lan rộng, bạn nên thực hiện các biện pháp chăm sóc như sau:

  • Tránh tiếp xúc với yếu tố gây khởi phát bệnh (nếu xác định được).
  • Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân có khả năng kích ứng cao như hóa mỹ phẩm, nước hoa, phấn hoa, nấm mốc, thức ăn dễ gây dị ứng,…
  • Kiểm soát căng thẳng và dành thời gian nghỉ ngơi trong thời gian bệnh bùng phát mạnh.
  • Tuyệt đối không chà xát lên vùng da tổn thương. Nếu ngứa nhiều, bạn có thể sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Mặc quần áo có chất liệu mềm, mỏng và có độ thấm hút tốt. Tránh mặc trang phục ôm sát, chất liệu cứng và bí bách.
  • Uống nhiều nước, bổ sung rau xanh và trái cây nhằm nâng cao hệ miễn dịch, cải thiện sức khỏe và hỗ trợ làm giảm triệu chứng trên da.
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm nhẹ dịu và lành tính lên da 2 – 4 lần/ ngày. Biện pháp này giúp giảm tình trạng khô ráp, bong tróc, ngứa ngáy và phục hồi màng lipid bảo vệ da.
  • Tránh trang điểm khi không thực sự cần thiết.

2. Sử dụng thuốc bôi + thuốc uống

Để làm giảm triệu chứng trên da và ngăn ngừa tổn thương lan rộng, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc bôi và thuốc uống như:

  • Thuốc kháng histamine H1: Chàm dị ứng chỉ khởi phát khi có phản ứng dị ứng. Vì vậy điều trị ưu tiên đối với bệnh lý này là sử dụng thuốc kháng histamine H1. Thuốc có tác dụng kháng dị ứng, giảm ngứa ngáy và cải thiện tổn thương da.
  • Thuốc bôi corticoid: Thuốc bôi corticoid được sử dụng trực tiếp lên vùng da bị chàm nhằm giảm ngứa, phù nề và ngăn ngừa tổn thương lan rộng. Loại thuốc này có đáp ứng tốt và cải thiện triệu chứng nhanh chóng. Tuy nhiên corticoid có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nên chỉ được sử dụng trong tối đa 14 ngày.
  • Thuốc bôi chứa axit salicylic: Trong trường hợp da dày sừng và nứt nẻ, bác sĩ có thể kê toa thuốc bôi chứa axit salicylic. Axit salicylic là một loại beta hydroxyl acid có khả năng tan trong dầu, làm sạch da, sát trùng và loại bỏ tế bào chết. Hiện nay, thành phần này thường được phối hợp với corticoid nhằm tăng tác dụng điều trị các bệnh da liễu mãn tính.
  • Corticoid đường uống: Corticoid đường uống thường được chỉ định khi tổn thương da nặng, phù nề và lan tỏa rộng. Thuốc có tác dụng kháng dị ứng bằng cách ức chế hoạt động miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên loại thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm nên chỉ được sử dụng trong những trường hợp cần thiết.
  • Thuốc kháng sinh: Đối với trường hợp chàm bội nhiễm, bác sĩ có thể kê toa kháng sinh từ 7 – 10 ngày. Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế hoặc tiêu diệt vi khuẩn gây bội nhiễm da.

Ngoài ra ở một số trường hợp khác, bác sĩ có thể chỉ định thêm các loại thuốc điều trị khác như thuốc ức chế calcineurin, thuốc giảm đau, thuốc kháng nấm,…

3. Giảm chàm dị ứng bằng thảo dược tự nhiên

Đối với những trường hợp chàm dị ứng nhẹ, bạn có thể làm giảm thương tổn da và cải thiện triệu chứng ngứa ngáy bằng một số mẹo từ thảo dược tự nhiên như:

  • Dùng khổ qua: Khổ qua có tính mát, tác dụng tiêu viêm và kháng khuẩn. Bên cạnh đó nguyên liệu này còn chứa hàm lượng nước và vitamin dồi dào, giúp cải thiện tình trạng sưng nóng và phục hồi vùng da tổn thương. Để làm giảm triệu chứng của bệnh, có thể dùng khổ qua nấu nước tắm hoặc giã nát và đắp trực tiếp lên vùng da bị ảnh hưởng.
  • Trà xanh: Trà xanh chứa nhiều khoáng chất và chất chống oxy hóa – các thành phần này đã được chứng minh về tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm và giảm ngứa da. Do đó bạn có thể dùng lá trà xanh tươi, đun sôi để ngâm rửa/ tắm nhằm giảm triệu chứng của bệnh chàm dị ứng.
  • Dầu dừa: Khi da hình thành tổn thương mãn tính, có thể sử dụng các nguyên liệu tự nhiên có đặc tính dưỡng ẩm sâu để làm mềm và giảm khô da. Dầu dừa là tinh dầu thiên nhiên, chứa nhiều axit béo và các chất chống oxy hóa giúp làm mềm, giảm ngứa và cải thiện tình trạng bong tróc da.

Các mẹo trị chàm dị ứng bằng nguyên liệu tự nhiên có thể giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh và hỗ trợ nuôi dưỡng làn da. Tuy nhiên cần hạn chế phụ thuộc vào những mẹo chữa này. Thay vào đó nên linh động kết hợp giữa phương pháp y tế với mẹo chữa tự nhiên và các biện pháp chăm sóc khoa học.

Phòng ngừa chàm dị ứng tái phát bằng cách nào?

Tổn thương do chàm dị ứng có thể thuyên giảm sau 3 – 4 tuần điều trị và chăm sóc. Tuy nhiên căn nguyên của bệnh có liên quan đến yếu tố cơ địa. Do đó bệnh có thể tái phát khi tiếp xúc với các yếu tố dị ứng.

Vì vậy để ngăn ngừa tình trạng bệnh tái phát, bạn nên thực hiện một số cách phòng ngừa như:

  • Tránh tiếp xúc với các yếu tố có khả năng dị ứng cao như hóa mỹ phẩm, phấn hoa, nấm mốc, thức ăn,…
  • Khi thời tiết thay đổi đột ngột, nên giữ ấm cơ thể, uống nhiều nước và hạn chế di chuyển/ hoạt động ngoài trời.
  • Thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe và tiền sử dị ứng để được cân nhắc về việc sử dụng thuốc bôi và thuốc uống.
  • Trao đổi với bác sĩ để được tư vấn về các sản phẩm làm sạch và chăm sóc da lành tính, an toàn.
  • Vệ sinh và dưỡng ẩm da thường xuyên. Hạn chế để da tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian dài.
  • Uống nhiều nước và xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học nhằm nâng cao sức đề kháng, điều hòa nồng độ hormone và cải thiện thể trạng.

Chàm dị ứng có khả năng tái phát cao, tiến triển mãn tính và dai dẳng. Tuy nhiên nếu tích cực điều trị và chủ động trong việc phòng ngừa, bạn có thể kiểm soát tổn thương da và hạn chế nguy cơ tái phát.

Bài viết liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

EMC Đã kết nối EMC