Viêm khớp cùng chậu là gì? Biểu hiện và cách điều trị
Nội dung bài viết
Chấn thương, các bệnh lý đường ruột hay quá trình mang thai ở phụ nữ đều là một trong những nguyên nhân gây viêm khớp cùng chậu. Bệnh nếu không điều trị kịp thời không chỉ khiến người bệnh vô cùng đau nhức, tiểu tiện khó khăn mà còn có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm. Tham khảo ngay cách điều trị hiệu quả nhất.
Viêm khớp cùng chậu là gì?
Viêm khớp cùng chậu là bệnh lý về xương khớp có tính mãn tính, theo đó khớp cùng chậu có dấu hiệu sưng viêm và tổn thương gây đau nhức cho người bệnh. Bệnh có thể xuất hiện do rất nhiều nguyên nhân kèm theo nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được kiểm soát kịp thời.
Theo đó, khớp cùng chậu là nơi tiếp giáp giữa xương cùng cụt nằm dưới cột sống thắt lưng và phần xương trên của xương chậu (hay xương cánh chậu). Khớp cùng chậu sẽ nối giữa hai xương cánh chậu và đốt cuối cùng của đốt sống thắt lưng. Do có vị trí vô cùng đặc biệt này nên nó thường chịu khá nhiều áp lực cùng với trọng lượng từ phần trên cơ thể đổ dồn xuống.
Số liệu cho thấy bệnh có xu hướng xuất hiện chủ yếu ở phụ nữ do rất nhiều yếu tố liên quan. Đồng thời các triệu chứng đặc trưng của bệnh cũng là tình trạng đau nhức xuất hiện tại khu vực thắt lưng, do đó không ít người thường nhầm lẫn với bệnh thoát vị đĩa đệm hay thoái hoá cột sống thắt lưng. Cần phải phân biệt rõ các bệnh để có hướng điều trị chính xác hơn.
Viêm khớp cùng chậu có xu hướng xuất hiện và tiến triển âm thầm khiến người bệnh phát hiện ra khá muộn. Các tổn thương có thể xuất hiện ở một hay cả hai bên khớp khiến người bệnh vô cùng đau nhức mệt mỏi. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tinh thần nên cần nhanh chóng điều trị.
Triệu chứng viêm khớp cùng chậu
Tình trạng đau nhức trầm trọng tại khu vực cuối thắt lưng và sau mông là một trong những triệu chứng đặc trưng nhất của viêm khớp cùng chậu. Tuy nhiên như đã nói, dấu hiệu này khá giống với các bệnh lý về xương khớp khác nên người bệnh chưa thể phân biệt rõ ràng hơn về bệnh và dễ dẫn đến nhầm lẫn trong điều trị.
Nhìn chung, các triệu chứng nổi bật của viêm khớp cùng chậu như sau
- Cơn đau nhức trầm trọng ở mông và thắt lưng dưới, sau đó lan sang các khu vực lân cận như háng, đùi, hay xuống chân. Cơn đau ban đầu chỉ xuất hiện âm ỉ, thoáng quam càng về sau càng rõ ràng hơn khiến người bệnh vô cùng mệt mỏi
- Cơn đau có xu hướng tăng khi di chuyển vận động, mang vác nặng đặc biệt là khi xoay người đột ngột
- Vùng da quanh xương chậu và xương cụt có thể xuất hiện tình trạng sưng đỏ, nóng rát, rất khó chịu khi ấn vào
- Bệnh kéo dài lâu có thể dẫn đến teo cơ đùi, mông, đau dây thần kinh tọa do bị chèn ép
- Người bệnh có xu hướng mệt mỏi, buồn nôn, sốt cao, tinh thần bất an
- Nếu có liên quan đến các bệnh phụ khoa người bệnh còn có triệu chứng đau khi tiểu tiện, tiểu ra máu. Ở phụ nữ có thể xuất hiện các dịch tiết bất thường, có mùi hôi hoặc chảy máu âm đạo dù không đến kỳ kinh nguyệt
- Đau đớn khi quan hệ.
Nếu không có các triệu chứng bất thường tại đường tiết niệu và các vấn đề nội khoa, bệnh rất dễ nhầm lẫn với các bệnh tại hệ thống xương khớp khác cùng vị trí. Tuy nhiên để đảm bảo chính xác nhất, người bệnh vẫn nên đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
Nguyên Nhân viêm khớp cùng chậu
Viêm khớp cùng chậu là bệnh lý phổ biến ở nhiều đối tượng, xảy ra với nhiều nguyên nhân và mới nhiều mức độ khác nhau. Xác định chính xác nguyên nhân bệnh sẽ giúp việc điều trị chính xác, hiệu quả và an toàn hơn.
Các nguyên nhân gây bệnh chính bao gồm
- Chấn thương: tai nạn giao thông, tai nạn lao động làm tổn thương đến khu vực khớp cùng chậu có thể là một trong những nguyên nhân làm sai lệch cấu trúc khiến các sụn khớp tại đây bị tổn thương và kích thích các yếu tố sưng viêm. Với tình trạng này nếu người bệnh phát hiện và can thiệp sớm, điều trị dứt điểm các tổn thương thì bệnh sẽ có tiên lượng điều trị khá tốt.
- Do giới tính: thống kê cho thấy bệnh có xu hướng xuất hiện nhiều hơn ở phụ nữ mang thai. Nguyên nhân này có thể liên quan đến các yếu tố như quá trình sinh nở, mang thai, do tăng cân bất thường, do viêm nhiễm âm đạo hay do sự thay đổi hormone tại đây. Đặc biệt quá trình mang thai làm bàng quang chịu nhiều áp lực, tiểu khung bị chèn ép có thể khiến nhiễm trùng ngược liên xương chậu và gây bệnh.
- Do yếu tố di truyền: viêm khớp cùng chậu cũng có thể mang yếu tố di truyền, chủ yếu liên quan đến kháng nguyên HLA B27. Bệnh nếu xuất hiện ở trẻ nhỏ liên quan đến yếu tố này có thể gây ra những vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe.
- Do bẩm sinh: một số người gặp vấn đề dị tật bẩm sinh tại hệ thống xương khớp như hai chân không bằng nhau hay vẹo cột sống có thể tạo các áp lực lớn lên cột sống, xương chậu và tăng nguy cơ gây bệnh.
- Nhiễm trùng: vệ sinh vùng kín không đảm bảo hay viêm đại tràng cũng là những yếu tố kích ứng làm tăng nguy cơ gây bệnh. Nguyên nhân này có thể xuất hiện ở cả nam và nữ giới và thường kèm theo nhiều triệu chứng nguy hiểm như ngứa ngáy, sốt cao..Riêng ở phụ nữ bệnh còn có liên quan đến các bệnh lý nhiễm trùng như viêm vòi trứng, viêm cổ tử cung..
- Do các bệnh lý xương khớp: viêm khớp cùng chậu có thể là hậu quả của rất nhiều bệnh lý về xương khớp trước đó như Viêm cột sống dính khớp, viêm khớp phản ứng, viêm xương khớp cột sống, viêm khớp vảy nến.. Các bệnh lý này khiến các sụn khớp dần bị bào mòn, hư tổn và có thể không điều trị dứt điểm được nếu có liên quan đến các yếu tố mãn tính.
- Một số bệnh về đường ruột: do vị trí đặc biệt của khớp cùng chậu nên những tổn thương viêm nhiễm tại đây cũng có thể liên quan đến một số bệnh lý đường ruột như Viêm đại trực tràng chảy máu, bệnh Whipple..
Bên cạnh đó, một số yếu tố tuy không gây bệnh trực tiếp nhưng cũng kích ứng làm bộc phát bệnh như
- Tăng/ giảm cân quá nhanh khiến xương chịu nhiều áp lực, đặc biệt ở phụ nữ mang thai vừa tăng cân nhanh vừa làm các xương cùng chậu phải giãn nở để hỗ trợ việc sinh nở, từ đó dần trở nên lỏng lẻo hơn.
- Người bị loãng xương
- Người có chế độ dinh hoạt và dinh dưỡng thiếu khoa học
- Quá trình can thiệp ngoại khoa phẫu thuật tại vùng xương chậu (có thể liên quan đến các bệnh lý hay chấn thương) nhưng không đảm bảo yếu tố vô trùng, khử trùng..
Viêm khớp cùng chậu có nguy hiểm không?
Để giải đáp băn khoăn viêm khớp cùng chậu có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị tình trạng bệnh, nguyên nhân gây bệnh và đối tượng mắc bệnh. Nếu bệnh có liên quan đến các yếu tố nhiễm trùng được phát hiện sớm sẽ có tiên lượng điều trị khá tốt, chỉ cần giải quyết vấn đề nhiễm trùng thì có giải quyết bệnh.
Tuy nhiên nếu bệnh có liên quan đến những tổn thương trước đó tại hệ thống xương khớp thì nếu đã chuyển qua giai đoạn mãn tính rất khó để điều trị dứt bệnh. Bệnh có xu hướng tái phát thường xuyên làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống và tinh thần của người bệnh. Một số biến chứng có thể xuất hiện như
- Giảm khả năng vận động
- Tổn thương dây thần kinh tọa
- Teo cơ mông, đùi
- Tăng nguy cơ bị viêm cột sống dính khớp
Nếu bệnh xuất hiện ở phụ nữ, đặc biệt ở phụ nữ mang thai thì những ảnh hưởng còn xuất hiện nhiều hơn. Bao gồm
- Tăng nguy cơ đẻ mổ
- Hệ thống xương khớp sức khỏe bị giảm sút, có thể ảnh hưởng tới thai nhi khi mẹ cần dùng một số loại thuốc điều trị
- Tắc vòi trứng và vô sinh
- Thai ngoài tử cung
Do đó người bệnh không nên chủ quan mà cần tiến hành thăm khám ngay để có hướng điều trị an toàn phù hợp nhất cho từng đối tượng.
Chẩn đoán viêm khớp cùng chậu
Như đã nói, do bệnh có các triệu chứng chung khá giống với một số bệnh lý xương khớp khác nên cần tiến hành xét nghiệm kiểm tra chính xác. Ngoài ra, thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán còn giúp xác nhận nguyên nhân gây bệnh có liên quan đến yếu tố nhiễm trùng nhiễm khuẩn hay không, từ đó mới có thể lên phác đồ điều trị phù hợp.
Các xét nghiệm thường được chỉ định trong chẩn đoán viêm khớp cùng chậu bao gồm
- Nghiệm pháp giãn khung chậu
- Nghiệm pháp đẩy đùi
- Nghiệm pháp FABER
- Nghiệm pháp ép khung chậu
- Nghiệm pháp Gaenslen
- Tiêm Lidocain kết hợp với X quang
- Chụp cộng hưởng MRI
- Chụp X – quang
- Xét nghiệm máu, nước tiểu
Tùy các kết quả khám lâm sàng và thông qua các triệu chứng sơ bộ, người bệnh sẽ được chỉ định các xét nghiệm phù hợp. Bệnh nhân cũng cần phối hợp với bác sĩ như thông báo tình trạng bệnh, các bệnh lý đã từng mắc trước đó để giúp đưa đến kết quả chẩn đoán và điều trị chính xác hơn.
Điều trị viêm khớp cùng chậu
Tùy thuộc vào đối tượng bệnh và nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị thich hợp để loại bỏ các triệu chứng bệnh đồng thời ngăn ngừa các biến chứng khác có thể xảy ra. Người bệnh cần kiên trì kết hợp với chế độ sinh hoạt dinh dưỡng khoa học ổn định để nhanh chóng cải thiện bệnh.
Dùng thuốc Tây
Mục đích chính của việc dùng thuốc Tây là giảm đau, hạ sốt (nếu có), loại bỏ các ổ vi khuẩn và ngăn chặn bệnh phát triển. Tuy nhiên với những đối tượng đặc biệt như bà bầu có thể được chỉ định các nhóm thuốc khác, người bệnh nên tham khảo thật kỹ ý kiến từ bác sĩ để đảm bảo an toàn.
Một số loại thuốc thường được dùng như
- Kháng sinh: Hầu hết chỉ được chỉ định khi bệnh có liên quan đến các yếu tố nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Có thể dùng doxycyclin hay amoxycyclin liên tục trong 2- 4 tuần để loại bỏ hoàn toàn các ổ vi khuẩn.
- Thuốc giảm đau, chống viêm: thường dùng Paracetamol đầu tiên để giảm đau, hạ sốt tuy nhiên không có tác dụng giảm sưng viêm. Trong thường hợp cơ địa không đáp ứng với Paracetamol và sưng viêm nặng có thể chỉ định các nhóm Indomethacin, Floctafenine ( thuốc giảm đau vùng chậu đơn thuần) hay Diclofenac, Celecoxib ( nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID); trong trường hợp nặng có thể dùng nhóm giảm đau gây nghiện (opioids) trong thời gian ngắn.
- Thuốc giãn cơ: giúp các cơ bắp thư giãn, giảm co thắt do viêm khớp cùng chậu gây ra.
- Thuốc sinh học ức chế TNF: hầu hết chỉ được chỉ định trong một số trường hợp có liên quan đến viêm khớp cùng chậu dính khớp
- Corticosteroid đường uống và tiêm: dùng khi xuất hiện cơn đau nặng mà các loại thuốc trên không thể kiểm soát, tuy nhiên thường kèm theo nhiều tác dụng phụ nên dùng trong thời gian ngắn,
- Thuốc ức chế hoại tử khối u: thường dùng trong trường hợp có liên quan đến viêm khớp và cột sống dính khớp
Việc dùng thuốc cần có sự chỉ định của bác sĩ chuyên môn, người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng hay tăng giảm liều thuốc đều có thể làm giảm hiệu quả điều trị. Trong trường hợp đau nặng muốn tăng hay dùng kết hợp với các loại thuốc khác vì có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm cho chính sức khỏe người dùng.
Vật lý trị liệu và các kỹ thuật giảm đau can thiệp
Vật lý trị liệu là phương pháp bảo tồn giúp cải thiện chức năng vận động, giảm đau đồng thời kích thích quá trình phục hồi những tổn thương tại khớp diễn ra nhanh chóng hơn. Phương pháp này còn giúp ngăn chặn tình trạng dính khớp, hạn chế nguy cơ tái phát từ đó ngăn ngừa nguy cơ biến chứng tối đa.
Song song đó, các phương pháp giảm đau can thiệp cũng được kết hợp nhằm loại bỏ nhanh những cơn đau nhức cho người bệnh. Tuy nhiên cả hai phương pháp này đều cần có các thiết bị máy móc chuyên dụng hỗ trợ, người bệnh nên tìm đến các bệnh viện lớn cho chuyên khoa về xương khớp để được điều trị đúng cách.
Một số phương pháp thường được dùng bao gồm
- Sóng cao tần: sử dụng các thiết bị chuyên dụng để đưa một nguồn sóng cao tần có bước sóng vừa đủ để tác động vào các đầu mút thần kinh cảm giác khớp cùng chậu giúp giảm đau nhanh chóng.
- Kích thích điện: dùng các thiết bị chuyên dụng đưa nguồn điện với điện áp vừa đủ để kích thích vào thần kinh cùng các cơ xung quanh khớp cùng chậu, vừa giúp giảm đau vừa giúp phục hồi chức năng và tăng sinh tái tạo sụn khớp.
- Các phương pháp cổ truyền: ấn huyệt, massage, châm cứu, cấy chỉ là các phương pháp cổ truyền có thể giúp giảm đau, kích thích lưu thông máy để đưa dưỡng chất đến các sụn khớp bị tổn thương và kích thích quá trình phục hồi.
- Nẹp hoặc dây đai khớp cùng chậu: bác sĩ có thể chỉ định người bệnh đeo các nẹp chuyên dụng để cố định sụn khớp về đúng vị trí, hỗ trợ hoạt động linh hoạt hơn và giảm đau đáng kể.
- Các bài tập trị liệu: có thể được chỉ định cả trước và sau khi phẫu thuật ( nếu có) nhằm cải thiện chức năng vận động linh hoạt cho các cơ quan này, ngăn chặn quá trình thoái hóa diễn ra.
Vật lý trị liệu cần có sự theo dõi hỗ trợ từ các bác sĩ chuyên môn để đảm bảo đúng cách, đúng động tác, do đó người bệnh không nên tự điều trị tại nhà.
Điều trị bằng Đông y
Với phụ nữ trong thời kỳ mang thai, việc uống các loại thuốc Tây có thể gây ra nhiều ảnh hưởng không tốt cho thai nhi, do đó nhiều người thường tìm đến các bài thuốc cổ truyền có nguồn gốc thảo dược để đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên các bài thuốc này chỉ phù hợp với những trường hợp bệnh nhẹ, mới khởi phát, chưa quá trầm trọng. Nếu liên quan đến các yếu tố mãn tính, nhiễm khuẩn hay bệnh đã quá nặng việc dùng thuốc Đông y hầu như không có hiệu quả vì nó thường cho tác dụng rất chậm. Người bệnh nên tìm đến các nhà thuốc cổ truyền uy tín để đảm bảo nguồn gốc chất lượng thuốc cũng như được bốc đúng thuốc, đúng bệnh.
Liệu pháp y học tái tạo
Mục đích khi sử dụng phương pháp này nhằm kích thích quá trình phục hồi các tổn thương tại sụn khớp, tăng lưu lượng máu đến các khớp từ đó hạn chế các biến chứng xuất hiện tối đa. Phương pháp này có thể dùng cho cả các ng bệnh nhẹ, mới khởi phát hoặc có thể dùng trong trường hợp mãn tính chưa xuất hiện biến chứng nhưng sẽ cho hiệu quả khá chậm.
Một số phương pháp thường dùng như
- Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)
- Liệu pháp tế bào gốc
Do hai phương pháp đều dùng chất liệu tự thân ( máu hoặc mô mỡ tự thân) nên có độ an toàn và tương thích cực kỳ cao, tuy nhiên chi phí cũng khá đắt đỏ. Đồng thời chỉ một số bệnh viện lớn hiện nay có hỗ trợ phương pháp này nên người bệnh nếu có nhu cầu cần tìm hiểu kỹ.
Phẫu thuật
Trong trường hợp các phương pháp nội khoa không còn tác dụng, người bệnh không thể kiểm soát tình trạng đau nhức, trở nên đau nặng, sức khỏe và tinh thần cũng bị ảnh hưởng trầm trọng thì việc phẫu thuật có thể được chỉ định để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm khác có thể xuất hiện.
Tùy từng tình trạng và đối tượng bệnh nhân, các phương pháp phẫu thuật sẽ được chỉ định phù hợp. Tuy nhiên phẫu thuật cũng có thể tồn tại nhiều biến chứng, sau phẫu thuật bệnh vẫn có thể tái phát nếu người bệnh không có chế độ sinh hoạt chăm sóc phù hợp.
Một số bài tập hỗ trợ chức năng
Các bài tập chức năng có thể được chỉ định cả trước và sau phẫu thuật nhằm phục hồi khả năng vận động linh hoạt ổn định cho người bệnh. Để đảm bảo an toàn, bệnh nhân nên tìm đến các chuyên gia hay bác sĩ để được hướng dẫn những bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân.
Người bệnh có thể tham khảo một số bài tập sau
Căng cơ khép háng
- Bệnh nhân nằm ngửa trên thảm tập hoặc sàn phẳng
- Gập gối đồng thời giữ hai chân vuông góc dưới mặt sàn
- Cố gắng dạng rộng đầu gối rồi giữ tư thế khoảng 15 – 30 giây
- Thực hiện động tác 3 lần cho mỗi lần tập
Tập cơ mông
- Bệnh nhân nằm sấp trên sàn phẳng hay thảm tập, hai chân duỗi thẳng, hai tay thả lỏng
- Sử dụng lực dồn về phía mông để nâng hai bên cơ mông lên]
- Cố gắng duy trì tư thế trong khoảng 15s
- Thực hiện động tác 2 lần, 15 nhịp/ lần
Phòng tránh viêm khớp cùng chậu
Viêm khớp cùng chậu có thể tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm, đặc biệt cho phái nữ do đó cần có biện pháp phòng tránh bệnh sớm. Bạn có thể tham khảo các phương pháp sau
- Duy trì cân nặng ổn định, tránh tăng/ giảm cân nhanh chóng quá mức, giảm cân khoa học trong trường hợp cần thiết
- Luyện tập tư thế đứng, ngồi hay mang vác đúng cách, tránh các hành động như đứng lên ngồi xuống hay xoay người đột ngột
- Hạn chế mang vác vật nặng thường xuyên
- Điều trị dứt điểm các bệnh lý liên quan
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học với đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt ở phụ nữ mang thai
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao phù hợp để tăng cường sức đề kháng
- Phụ nữ có thai nên chủ động đi khám bệnh định kỳ thường xuyên
Trên đây là những chia sẻ chi tiết về nguyên nhân, biến chứng, cách điều trị và phòng tránh hiệu quả nhất với bệnh viêm khớp cùng chậu. Mỗi người ngay khi thấy các triệu chứng bất thường của sức khỏe hãy nhanh chóng đi thăm khám để sớm phát hiện và điều trị bệnh hiệu quả, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Có thể bạn quan tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!