Bệnh nổi mề đay ở người lớn: Nguyên nhân và cách phòng ngừa
Nội dung bài viết
Bệnh nổi mề đay ở người lớn có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Cơ chế bệnh sinh khá phức tạp nhưng nhận thấy có vai trò quan trọng của chất trung gian dị ứng – histamine. Thông thường, mề đay mẩn ngứa đều khởi phát đột ngột và thuyên giảm nhanh chóng. Tuy nhiên ở một vài trường hợp, bệnh có thể kéo dài mãn tính và tái phát thường xuyên.
Bệnh nổi mề đay ở người lớn là gì?
Mề đay là một dạng tổn thương da phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 20% dân số và có thể khởi phát ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên thống kê cho thấy, phần lớn các trường nổi mề đay mẩn ngứa xảy ra chủ yếu ở người trưởng thành.
Mề đay có cơ chế phức tạp, trong đó có vai trò quan trọng của chất trung gian gây dị ứng – histamine. Có rất nhiều nguyên nhân gây nổi mề đay ở người lớn, bao gồm cả yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Trong một số trường hợp, nguyên nhân gây bệnh rất dễ nhận biết. Tuy nhiên cũng có những trường hợp nổi mề đay không thể tìm ra nguyên nhân cụ thể – còn được gọi là mề đay mãn tính vô căn.
Tổn thương cơ bản của bệnh lý này là tình trạng da và niêm mạc xuất hiện các sẩn phù đột ngột, đi kèm với triệu chứng nóng rát, châm chích nhẹ và ngứa ngáy. Nổi mề đay có đặc điểm khởi phát đột ngột và thuyên giảm chỉ sau vài phút đến vài giờ.
Triệu chứng của bệnh mề đay ở người lớn
Tổn thương do mề đay có hình thái lâm sàng khá đa dạng, kích thước không đồng đều nhưng thường có tính điển hình cao.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh, bao gồm:
- Xuất hiện các mảng hoặc sẩn trên bề mặt da, bờ tròn và có ranh giới rõ ràng với những vùng da xung quanh.
- Tổn thương có kích thước từ vài mm đến vài cm, một số sẩn có thể liên kết và tạo thành mảng tổn thương rộng 10 – 20cm
- Sẩn và mảng phù do mề đay thường có màu hồng nhạt, cứng chắc và có màu trắng đục ở trung tâm.
- Tổn thương có thể khu trú ở một số vị trí nhất định nhưng cũng có thể lan tỏa khắp cơ thể
- Nếu xảy ra ở môi, cơ quan sinh dục ngoài và mi mắt, tổn thương thường là các mảng nông kết hợp với hiện tượng phù da
- Mề đay thường gây ngứa, mức độ ngứa từ âm ỉ đến dữ dội
- Sang thường da xuất hiện đột ngột và chỉ tồn tại trong vài phút đến vài giờ, sau đó tự biến mất và không để lại dấu vết
- Tuy nhiên mề đay cũng có thể kéo dài trong khoảng vài ngày đến vài tuần (kéo dài trên 6 tuần được gọi là mề đay mãn tính)
Dựa vào hình thái lâm sàng, các nhà khoa học chia mề đay thành các dạng tổn thương như:
- Mề đay xuất hiện
- Mề đay đường dài, hình vòng
- Mề đay sẩn
- Mề đay sắc tố
- Mề đay khổng lổ (hay còn gọi là phù Quincke)
- Mề đay bọng nước, mụn nước
- Mề đay giả viêm tấy
- Hồng ban đa dạng
- Chứng da vẽ nổi (Mề đay vẽ nổi)
- Mề đay hoại tử
Nguyên nhân gây bệnh mề đay ở người lớn
Như đã đề cập, mề đay có cơ chế bệnh sinh khá phức tạp và do nhiều yếu tố tác động. Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây ra chứng nổi mề đay ở người trưởng thành, bao gồm:
- Tác nhân vật lý: Mề đay có thể bùng phát khi tiếp xúc với gió lạnh, uống nước lạnh, tắm nước lạnh hoặc có thể khởi phát do tiếp xúc với tia xạ, tia cực tím và ánh nắng mặt trời.
- Động vật và thực phẩm: Tiếp xúc với một số loài thực vật (cây tầm ma, trường xuân, phong lữ thảo) và một số loại đông vật (ong, bọ chét, sứa, nhện, sâu, muỗi,…) có thể làm tăng mẫn cảm và khiến da nổi mẩn ngứa. Mề đay do động vật và thực vật thường khởi phát tổn thương ở vị trí tiếp xúc và sau đó có thể lan tỏa toàn thân.
- Tác động cơ học: Ma sát với quần áo, giày dép hoặc thói quen chà xát lên da là một trong những yếu tố thuận lợi kích thích mề đay bùng phát. Thông thường, mề đay do nguyên nhân này thường có dạng tổn thương vẽ nổi.
- Thức ăn: Dị ứng thức ăn là nguyên nhân phổ biến nhất gây nổi mề đay ở trẻ nhỏ và người trưởng thành. Tất cả các loại thức ăn đều có khả năng dị ứng nhưng thường gặp nhất là hải sản, bánh mì, rượu, trứng, socola, thịt bò, rượu,…
- Thuốc: Mề đay có thể là hệ quả do sử dụng các loại thuốc bôi hoặc thuốc toàn thân như PNC, Barbiturique, Insulin, Quinine, Pyramidon, kháng sinh,…
- Tâm lý – sinh lý: Ngoài các yếu tố ngoại giới, mề đay cũng có thể khởi phát do thể trạng suy nhược, xúc động mạnh, căng thẳng và chấn động tâm lý.
- Nhiễm vi trùng hoặc ký sinh trùng: Nhiễm các loại ký sinh trùng như giun sán, u nang bào sán, amip và các loại vi trùng (virus, vi khuẩn) có thể kích thích hoạt động phóng thích histamine và gây nổi mề đay mẩn ngứa.
- Ảnh hưởng của bệnh hệ thống: Ngoài ra, bệnh nổi mề đay ở người lớn còn có thể là hệ quả do các bệnh hệ thống như Amyloidosis (thoái hóa tinh bột), Collagenose (các bệnh tổ chức liên kết) và Reticulosis (bệnh hệ lưới bạch cầu đơn nhân),…
Bệnh nổi mề đay ở người lớn có nguy hiểm không?
Bản thân mề đay chỉ là một dạng tổn thương niêm mạc và da nên không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên mề đay có thể là biểu hiện của sốc phản vệ và một số bệnh lý nghiêm trọng.
Trong trường hợp nổi mề đay đi kèm với các triệu chứng nặng nề (khó thở, sưng cổ họng, co thắt phế quản, sưng mi mắt,…), nên chủ động gọi cấp cứu để tránh các tình huống đáng tiếc. Nếu không xử lý kịp thời, sốc phản vệ có thể gây co thắt đường thở, dẫn đến suy hô hấp, hạ huyết áp, choáng và tử vong.
Thống kê cho thấy, có hơn 80% trường hợp nổi mề đay thuyên giảm và biến mất hoàn toàn chỉ sau vài ngày đến vài tuần. Trong đó chỉ có khoảng 5% phát triển dạng mề đay mãn tính (mề đay kéo dài hơn 6 tuần).
Mặc dù mề đay mãn tính không tác động nghiêm trọng đến thể trạng hay đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên các triệu chứng cơ năng của bệnh (nóng rát, châm chích và ngứa ngáy) có thể ảnh hưởng đến hiệu suất học tập – làm việc, gây gián đoạn giấc ngủ và làm giảm chất lượng cuộc sống.
Chẩn đoán nổi mề đay ở người lớn
Nổi mề đay mẩn ngứa có hình thái khá đa dạng và có thể bị nhầm lẫn với các bệnh da liễu khác. Vì vậy bác sĩ thường yêu cầu chẩn đoán trước khi chỉ định các phương pháp y tế. Ngoài ra quá trình chẩn đoán còn giúp xác định mức độ tổn thương da và nguyên nhân gây bệnh, từ đó có các biện pháp điều trị và khắc phục tương ứng.
1. Chẩn đoán xác định
Như đã đề cập, triệu chứng do mề đay gây ra có tính điển hình tương đối cao. Do đó bác sĩ thường chẩn đoán bệnh thông qua một số triệu chứng lâm sàng như:
- Nổi sẩn phù
- Ngứa ngáy
- Sang thương da xuất hiện đột ngột, biến mất trong thời gian ngắn và gần như không để lại dấu vết
2. Chẩn đoán nguyên nhân
Nguyên nhân gây nổi mề đay rất đa dạng và khó nhận biết. Tuy nhiên để việc điều trị đạt được hiệu quả tối ưu, bác sĩ thường yêu cầu chẩn đoán nguyên nhân thông qua các kỹ thuật sau:
- Xem xét tiền sử cá nhân: Tiếp xúc với yếu tố kích thích (cơ học, vật lý, động vật, thực vật), sử dụng thuốc, nhiễm trùng hoặc nhiễm ký sinh trùng.
- Tiền sử gia đình: Người bị nổi mề đay thường có tiền sử gia đình mắc các bệnh liên quan đến dị ứng như viêm da cơ địa, hen suyễn, viêm mũi dị ứng,…
- Xét nghiệm cận lâm sàng: Xét nghiệm cận lâm sàng đối với bệnh mề đay chủ yếu xét nghiệm máu nhằm xác định kháng thể ký sinh trùng/ vi trùng, tăng IgE và tìm Cryoglobulin. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể sinh thiết mô da và cấy dịch tiết để xác định mề đay do nhiễm trùng hoặc do nhiễm ký sinh trùng (giun, ghẻ, sán,…).
3. Chẩn đoán phân biệt
Với những dạng lâm sàng ít gặp và không có tính điển hình cao (mề đay sẩn, mề đay dạng bỏng nước – mụn nước), bác sĩ có thể chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý như:
- Prurigo Strophulus: Prurigo Strophulus hay còn gọi là bệnh sẩn ngứa, đặc trưng bởi sự xuất hiện của các sẩn ngứa ở lớp trung bì. Bệnh lý này xảy ra do sự thâm nhiễm của bạch cầu đa nhân trung tính và tế bào lympho.
- Bệnh Duhring: Hay còn gọi là bệnh viêm da dạng Éc Pét. Thuật ngữ này đề cập đến bệnh da liễu mãn tính, hiếm gặp với tổn thương cơ bản là tình trạng da nổi bọng nước. Cơ chế bệnh sinh có liên quan đến tình trạng lắng đọng IgA ở phía trên chân bì và hiện tượng mẫn cảm với gluten.
- Tổ đỉa: Tổ đỉa là một thể chàm eczema khá phổ biến. Bệnh điển hình bởi tình trạng da nổi các mụn nước nhỏ, cứng và nằm sâu trong cấu trúc. Đặc điểm của bệnh lý này là tổn thương khu trú ở lòng bàn chân/ bàn tay và rất hiếm khi vượt quá cổ tay/ cổ chân.
Các biện pháp điều trị bệnh nổi mề đay ở người lớn
Mề đay cấp tính thường có đáp ứng tốt với việc sử dụng thuốc và các biện pháp chăm sóc. Trong khi đó, mề đay mãn tính và hay tái phát thường có đặc tính dai dẳng và rất khó chữa trị dứt điểm.
Trước khi tiến hành điều trị, cần loại trừ yếu tố gây bệnh (nếu xác định được). Cách ly với căn nguyên có vai trò quan trọng trong quá trình chữa trị mề đay và dự phòng bệnh tái phát.
1. Điều trị mề đay cấp ở người lớn
Điều trị mề đay cấp chủ yếu là sử dụng thuốc bôi và thuốc uống. Loại thuốc được chỉ định phụ thuộc vào dạng lâm sàng và tình trạng sức khỏe của từng trường hợp.
– Điều trị tại chỗ:
- Thuốc bôi chứa Menthol: Menthol là thành phần chiết xuất từ lá bạc hà, có tác dụng gây tê, làm mát, giảm đau và giảm viêm tại chỗ. Thuốc được sử dụng trực tiếp lên vùng da tổn thương nhằm làm giảm các triệu chứng cơ năng của bệnh.
- Kem dưỡng ẩm: Bác sĩ có thể chỉ định một số loại kem dưỡng ẩm chứa Glycerin, Zinc, Niacinamide và Panthenol để làm dịu vùng da bị kích ứng, giảm viêm và hỗ trợ cải thiện cơn ngứa.
– Điều trị toàn thân:
- Thuốc anti histamine: Histamine là yếu tố quan trọng trong cơ chế khởi phát và tiến triển của bệnh mề đay mẩn ngứa. Do đó bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc kháng histamine H1 (Fexofenadine, Cetirizine, Loratadine, Desloratadine,…) để ức chế dị ứng và làm giảm tổn thương da. Trong trường hợp có đáp ứng kém, có thể sử dụng phối hợp với thuốc kháng histamine H2 như Cimetidine.
- Thuốc corticoid: Corticoid gây ra nhiều tác dụng phụ và biến chứng nặng nề nên ít khi được sử dụng. Tuy nhiên trong trường hợp mề đay bùng phát mạnh và gây phù nề nghiêm trọng, có thể sử dụng corticoid đường uống ở liều thấp.
- Thuốc kháng cholinergic: Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế acetycholine – chất dẫn truyền thần kinh nhằm ngăn chặn phản ứng dị ứng và giúp làm giảm tổn thương da. Thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị mề đay Cholinergic.
2. Điều trị mề đay mãn tính hay tái phát
Với những trường hợp mề đay mãn tính và hay tái phát, cần thực hiện chẩn đoán nguyên nhân và tiến hành cách ly với yếu tố gây bệnh trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra trong thời gian điều trị, phải hạn chế dùng rượu, cai thuốc lá và tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích.
Điều trị mề đay mãn tính chủ yếu là sử dụng thuốc bôi dưỡng ẩm và thuốc kháng histamine trong vòng 3 tháng. Sau đó, cần giảm liều thuốc uống và ngưng thuốc khi tổn thương da thuyên giảm hẳn.
Các biện pháp điều trị nổi mề đay người lớn tại nhà
Cơ chế gây bệnh mề đay khá phức tạp và rất khó xác định được nguyên nhân cụ thể. Vì vậy bên cạnh việc sử dụng thuốc, cần kết hợp với các biện pháp hỗ trợ tại nhà nhằm kiểm soát mức độ tổn thương, giảm ngứa ngáy và hạn chế tác dụng phụ do lạm dụng thuốc.
Một số biện pháp điều trị bệnh nổi mề đay ở người lớn tại nhà:
- Tắm nước mát giúp làm dịu vùng da bị kích ứng, hỗ trợ loại bỏ dị nguyên và giữ da luôn trong trạng thái thông thoáng. Tuy nhiên cần tránh tắm quá lâu vì thói quen này có thể khiến da mất độ ẩm và dễ bùng phát mề đay trên diện rộng.
- Chườm lạnh hoặc chườm khăn mát lên vùng da bị ảnh hưởng từ 15 – 20 phút có thể làm giảm hiện tượng viêm, sưng đỏ, ngứa ngáy và ngăn ngừa sang thương da lan tỏa rộng.
- Mặc quần áo rộng và có chất liệu thoáng giúp giảm ma sát lên da và hạn chế da đổ quá nhiều mồ hôi.
- Uống nhiều nước và cung cấp các thực phẩm giúp làm dịu vùng da tổn thương như cá hồi, rau xanh, sữa chua, bột yến mạch,…
- Với những trường hợp nổi mề đay do yếu tố nội sinh, nên dành thời gian nghỉ ngơi, kiểm soát căng thẳng và giảm khối lượng công việc.
- Có thể tận dụng một số nguyên liệu tự nhiên như nha đam, yến mạch, lá chè xanh, tía tô, ngải cứu và lá trầu không để làm giảm tình trạng viêm da, ngứa ngáy và nổi sẩn.
Phòng ngừa nổi mề đay ở người lớn tái phát
Trên thực tế, có đến 35% trường hợp tái phát mề đay ít nhất 1 lần. Vì vậy sau khi kiểm soát các triệu chứng trên da, bạn cần chủ động thực hiện các biện pháp ngăn ngừa tái phát như:
- Tránh tiếp xúc với động vật, thực vật, hóa mỹ phẩm, nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh.
- Giữ vệ sinh cơ thể và hạn chế các hoạt động khiến da đổ nhiều mồ hôi.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm đều đặn – nhất là khi thời tiết chuyển lạnh.
- Mặc quần áo và mang giày dép có chất liệu mềm, thấm hút và kích cỡ phù hợp.
- Không sử dụng rượu bia, cà phê, hút thuốc lá và dùng các chất kích thích.
- Tuyệt đối không dung nạp các thực phẩm đã từng có tiền sử dị ứng và thận trọng khi dùng các loại đồ uống, thức ăn có khả năng kích ứng cao như nghêu, tôm, cua, sò, thịt gà, trứng, lúa mì,…
- Vệ sinh không gian sống, giặt sạch drap giường và vỏ gối nhằm giảm nguy cơ tiếp xúc với các yếu tố dị ứng.
- Tránh tắm với nước quá nóng hoặc quá lạnh, đồng thời chỉ nên tắm trong khoảng 10 – 15 phút.
- Xây dựng lối sống lành mạnh giúp hạn chế căng thẳng thần kinh, rối loạn cảm xúc và rối loạn nội tiết tố.
- Thông báo tiền sử dị ứng và tình trạng sức khỏe để được chỉ định các loại thuốc phù hợp.
Bệnh nổi mề đay ở người lớn có thể thuyên giảm hoàn toàn chỉ sau vài giờ đến vài ngày. Tuy nhiên ở một số ít trường hợp, tổn thương da có thể tiến triển mãn tính và tái phát nhiều lần. Vì vậy bên cạnh các biện pháp khắc phục và điều trị, cần chủ động chăm sóc da và thực hiện các mẹo phòng ngừa tái phát.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!