Điều Trị Thoát Vị Đĩa Đệm Bằng Vật Lý Trị Liệu Và Thông Tin Cần Biết
Nội dung bài viết
Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng vật lý trị liệu là phương pháp điều trị bảo tồn đang được áp dụng tại hầu hết các bệnh viện. Nhiều hình thức trị liệu có thể được tiến hành như chiếu laser, kéo giãn cột sống, điện trị liệu, siêu âm. Bệnh nhân cần kiên trì phối hợp tốt với chuyên gia vật lý trị liệu để mau lành bệnh.
Vật lý trị liệu có tác dụng gì trong điều trị thoát vị đĩa đệm?
Bệnh thoát vị đĩa đệm không chỉ gây ra những cơn đau nhức khó chịu ở lưng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động của người bệnh. Bên cạnh thuốc điều trị, một số bệnh nhân còn được chỉ định làm vật lý trị liệu với nhiều phương pháp khác nhau như điện trị liệu, siêu âm trị liệu hay chiếu laser… Mỗi phương pháp có cách thực hiện khác nhau nhưng chúng đề hướng đến các mục đích chung là:
- Giảm hiện tượng đau nhức, tê bì tay chân cho người bệnh
- Giảm áp lực chèn ép lên dây thần kinh
- Cải thiện sức mạnh cho các cơ bắp nâng đỡ quanh vùng cột sống bị bệnh
- Kích thích lưu thông máu qua đĩa đệm bị tổn thương, giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi bệnh.
- Khôi phục chức năng vận động của cột sống
- Giảm nguy cơ gặp biến chứng cho người bệnh
Các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm bằng vật lý trị liệu
Hiện nay, có nhiều phương pháp vật lý trị liệu đang được áp dụng để chữa bệnh thoát vị đĩa đệm như:
1. Sóng ngắn
Phương pháp sóng ngắn trị liệu còn có các tên gọi khác như sóng radio hay điện trường cao tần. Phương pháp này dùng bức xạ điện từ có bước sóng dao động từ 11 – 22 mét tác động trực tiếp lên khu vực bị bệnh. Nó có khả năng làm tăng nội nhiệt và tạo ra các hiệu ứng sinh học, từ đó mang đến nhiều tác dụng tốt như:
- Ức chế dẫn truyền cảm giác đau ở các dây thần kinh thụ cảm, xoa dịu cảm giác đau đớn cho người bệnh.
- Chống viêm bằng cách làm tăng lượng bạch cầu phân bố ở tổ chức viêm.
- Làm giãn nở mạch máu, thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm hiện tượng sưng viêm quanh đốt sống bị thoát vị đĩa đệm.
- Giảm căng thẳng, cải thiện chức năng của hệ thần kinh vận động, qua đó góp phần tích cực vào việc phục hồi chức năng cho bệnh nhân.
Chống chỉ định phương pháp sóng ngắn cho các trường hợp mắc bệnh thoát vị đĩa đệm kèm theo các vấn đề sau:
- Người có u ác tính
- Mắc bệnh lao chưa ổn định
- Phụ nữ mang thai
- Người mắc chứng máu chậm đông
- Đối tượng đang mang máy tạo nhịp
- Người đang bị xuất huyết tiêu hóa hoặc đe dọa chảy máu ở các cơ quan nội tạng
- Các trường hợp bị viêm khớp dạng thấp hoặc viêm khớp biến dạng.
2. Kéo giãn cột sống trị thoát vị đĩa đệm
Đây cũng là phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm bằng vật lý trị liệu đang được áp dụng phổ biến. Khi thực hiện, chuyên gia vật lý trị liệu sẽ sử dụng máy để tạo ra ngay áp lực âm ở trong lòng đĩa đệm, từ đó mang đến những tác dụng như:
- Làm giảm áp lực ở bên trong đĩa đệm
- Tăng khả năng thẩm thấu và giúp cơ thể mang các dưỡng chất đến nuôi dưỡng đĩa đệm nhiều hơn. Điều này có thể giúp ức chế quá trình thoái hóa đĩa đệm và đẩy nhanh tốc độ phục hồi tổn thương bên trong.
- Làm giảm thể tích khối đĩa đệm bị thoát vị trong trường hợp khối thoát vị chưa có biểu hiện bị xơ hóa.
- Giải pháp áp lực chèn ép từ khối đĩa đệm bị thoát vị lên rễ thần kinh
- Giảm các triệu chứng đau lưng, tê bì tay chân cho người bệnh.
Chống chỉ định:
Không áp dụng phương pháp kéo giãn cột sống cho các đối tượng sau:
- Người mắc bệnh ống tủy, có tổn thương ở tủy hoặc bị chèn ép tủy
- Người mắc bệnh lao cột sống, ung thư xương hoặc bị nhiễm trùng, áp xe ở lưng
- Người mắc bệnh loãng xương
- Bệnh nhân bị cao huyết áp
- Các trường hợp bị gãy xương cột sống biến dạng
- Bà bầu
- Bệnh nhân mắc chứng viêm đa khớp dạng thấp
- Phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt
- Người mắc hội chứng đuôi ngựa
- Các trường hợp bị viêm cột sống dính khớp có cầu xương nối giữa các đốt sống hoặc bệnh nhân bị thoái hóa cột sống.
3. Siêu âm chữa thoát vị đĩa đệm
Phương pháp siêu âm sử dụng sóng siêu âm có tần số thích hợp tác động lên khu vực bị bệnh dẫn đến các tác dụng cơ học và sinh nhiệt như:
- Làm tăng tuần hoàn máu, giúp đưa oxy và các chất dinh dưỡng đến vùng đĩa đệm bị thoát vị nhiều hơn, từ đó tạo điều kiện cho tổn thương bên trong nhanh phục hồi.
- Làm thư giãn cơ, giảm tình trạng co thắt cơ là nguyên nhân gây đau lưng, co cứng cột sống.
- Kích thích tái sinh các tổ chức bị tổn thương
- Giảm đau nhờ tác dụng lên hệ thần kinh ngoại vi
Chống chỉ định:
- Không siêu âm ở khu vực mới được làm phẫu thuật cắt cung sau đốt sống
- Vùng da ở khu vực điều trị bị mất cảm giác
- Có khối u
- Bị viêm tắc tĩnh mạch
- Mắc bệnh tiểu đường
- Bệnh nhân mang máy tạo nhịp.
4. Điện trị liệu
Với phương pháp vật lý trị liệu này, khu vực bị bệnh sẽ được tác động bởi một dòng điện có cường độ thích hợp, từ đó mang đến các hiệu quả trị liệu như sau:
- Ức chế dẫn truyền ở dây thần kinh cảm giác, giảm đau cho người bệnh
- Chống co thắt cơ
- Kháng viêm, tiêu sưng
Chống chỉ định:
- Bệnh nhân có khối u ác tính hoặc lành tính
- Tăng sản tổ chức
- Bệnh lao chưa được điều trị ổn định
- Phụ nữ mang thai
- Chảy máu hoặc có dị vật kim loại ngoài vùng điều trị
- Có ổ áp xe, tràn dịch tại màng phổi hay màng ngoài tim
5. Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng tia laser cường độ cao
Phương pháp này được áp dụng để điều trị thoát vị đĩa đệm ở mức độ nhẹ đến vừa. Bằng cách sử dụng tia laser chiếu vào vùng tổn thương, một phần nhân nhày đĩa đệm bị hư hại sẽ được đốt cháy và loại bỏ.
Ngoài ra, phương pháp này cũng giúp giải phóng áp lực chèn ép của nhân nhày đĩa đệm lên rễ thần kinh, ngăn ngừa nứt rách bao xơ, giảm đau và cải thiện các triệu chứng khác có liên quan đến bệnh thoát vị đĩa đệm.
Chống chỉ định:
- Bệnh nhân bị xẹp đĩa đệm từ 50% trở lên
- Người đang gặp các vấn đề khác ở cột sống như: Lao cột sống, trượt thân cột sống từ độ 1 trở lên, gãy thân cột sống, ung thư cột sống
- Đĩa đệm bị vỡ
- Bệnh nhân đã làm phẫu thuật nhưng không thành công
- Phụ nữ đang có bầu
6. Bài tập vật lý trị liệu chữa thoát vị đĩa đệm
Bên cạnh các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm bằng vật lý trị liệu ở trên, bệnh nhân còn có thể được chuyên gia hướng dẫn thực hành một số bài tập giúp hỗ trợ giảm đau, cải thiện chức năng vận động cho cột sống, đồng thời tăng cường sức mạnh cho các cơ cạnh cột sống.
Bài tập số 1:
Nằm ngửa trên sàn. Gập đầu gối bên phải lên rồi dùng hai tay dan chéo vào nhau ở đầu gối để giữ cho chân áp sát vào bụng. Để nguyên tư thế trên trong 10 giây, thả lỏng và đổi bên chân, mỗi bên làm 15 lần.
Bài tập số 2:
Gập đầu gối cả hai chân. Tay đan chéo lại đặt ở đầu gối nhằm giữ cho chân áp sát hết cỡ vào bụng. Giữ 10 giây rồi đưa cơ thể trở về tư thế ban đầu. Lặp lại theo cách tương tự thêm 15 lần nữa.
Bài tập số 3:
Nằm ngửa, gập hông kết hợp gập gối hai chân, giữ bàn chân luôn chạm đất, lưng áp sát sàn nhà. Giữ nguyên 10 giây rồi buông lỏng cơ thể và lặp lại động tác trên thêm 15 lần nữa.
Bài tập số 4:
- Người bệnh nằm trên sàn
- Đặt một con lăn ở dưới lưng trên và đẩy cơ thể để di chuyển lưng lên xuống theo con lăn một cách nhịp nhàng
- Trong quá trình di chuyển, hãy ngưng lại ở điểm tối đa sao cho vùng cơ ở cổ và lưng được kéo căng.
- Giữ tư thế trên trong vòng 30 giây rồi tiếp tục thực hiện trong khoảng 5 phút.
Bài tập số 5:
- Chuẩn bị sẵn một cái dây co có độ đàn hồi tốt
- Đứng thẳng trên sàn, thắt một đầu dây vào cổ chân
- Đá chân vừa được cột dây ra phía sau. Hai tay vòng ra sau đầu nắm bên còn lại của sợi dây và kéo căng phần cơ eo
- Giữ 5 giây, thả lỏng rồi lặp lại thêm 5 lần tương tự.
Lưu ý khi vật lý trị liệu chữa thoát vị đĩa đệm
- Phương pháp vật lý trị liệu chỉ giúp hỗ trợ cải thiện triệu chứng bệnh, làm chậm quá trình tiến triển của bệnh chứ không thể chữa khỏi thoát vị đĩa đệm.
- Bệnh nhân có thể được điều trị bằng một hay nhiều phương pháp vật lý trị liệu kết hợp. Các chuyên gia vật lý trị liệu sẽ căn cứ vào mức độ bệnh của từng cá nhân để xây dựng liệu trình chữa bệnh cho phù hợp.
- Khi làm vật lý trị liệu, bệnh nhân nên mặc đồ thoải mái giúp mọi hoạt động được thuận tiện hơn.
- Để thấy được hiệu quả, bệnh nhân cần kiên trì điều trị thoát vị đĩa đệm bằng vật lý trị liệu trong thời gian dài, kết hợp với dùng thuốc, thay đổi chế độ dinh dưỡng và vận động đúng cách.
Có thể bạn quan tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!