Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi là gì? Triệu chứng và điều trị
Nội dung bài viết
Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi khiến con người sợ hãi một cách quá khích và phi lý khi đối diện với một đối tượng không quá nguy hiểm. Mọi thứ tưởng chừng như đơn giản nhưng ít ai biết rằng ám ảnh sợ hãi đã hành hạ cuộc sống người bệnh rất nhiều và còn có thể dẫn họ đến với trầm cảm và lạm dụng chất kích thích.
Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi là bệnh gì?
Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi là một bệnh rối loạn tâm thần rất phổ biến. Người bệnh sẽ có biểu hiện sợ hãi một cách vô cớ và thái quá khi gặp một đối tượng hoặc tình huống không quá nguy hiểm trong thực tế. Không giống những dạng rối loạn lo âu khác, ám ảnh sợ hãi thường liên quan đến một cái gì cụ thể.
Khi mắc bệnh, con người sẽ cố gắng né tránh những nỗi ám ảnh của họ. Điều này gây cản trở rất lớn đến cuộc sống của họ một cách khó chịu. Mặc dù, bệnh nhân vẫn nhận thấy nỗi sợ hãi của mình thật vô lý, nhưng họ không thể ngăn cảm xúc sợ hãi của mình.
Rối loạn ám ảnh sợ hãi không giống nỗi sợ hãi đơn thuần. Sợ hãi là một phản ứng bình thường của hệ thống thần kinh để cảnh báo những nguy hiểm đang hoặc sắp đối mặt. Trong khi đó, ám ảnh sợ hãi khiến hệ thống cảnh báo gặp trục trặc, trở nên cực kỳ nhạy bén ngay cả khi trước mắt không có gì đáng lo lắng.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi
Nỗi ám ảnh có thể diễn biến khác nhau đối với từng bệnh nhân. Bên cạnh đó, mức độ của các triệu chứng ở từng người cũng không giống nhau. Ám ảnh có nhiều loại nhưng triệu chứng chung đều liên quan đến sự sợ hãi và lo lắng. Triệu chứng sẽ biểu hiện ở cả mặt thể chất lẫn tinh thần.
Những dấu hiệu chung nhận biết rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi là:
- Đứng không vững, ngộp thở, tim đập nhanh hoặc ngất xỉu khi gặp tình huống ít nguy hiểm.
- Đổ mồ hôi, rối loạn tiêu hóa và cảm giác tê, ngứa ran chân tay.
- Né tránh những địa điểm, sự vật liên quan đến tác nhân gây sợ hãi.
- Mất tự chủ hành vi, tinh thần hoảng loạn khi đối diện với nỗi ám ảnh.
- Luôn nhìn thấy nguy hiểm rình rập, sợ cái chết.
Vì chứng ám ảnh liên quan trực tiếp đến một điều cụ thể nên có rất nhiều loại ám ảnh sợ hãi mà con người đang gặp phải. Mỗi dạng sẽ có những dấu hiệu riêng để nhận biết. Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi được phân thành 3 dạng như sau:
1. Ám ảnh cụ thể
Đây là một dạng ám ảnh đặc trưng bởi nỗi sợ hãi tột độ đối với một đối tượng, tình huống ít hoặc không gây hại cho bản thân. Những ám ảnh cụ thể thường xuất hiện thời thơ ấu hoặc ở độ tuổi thanh thiếu niên. Ám ảnh hay đến một cách vô cớ, khó kiểm soát và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động học tập, làm việc.
Các chứng ám ảnh cụ thể phổ biến nhất và dấu hiệu nhận biết là:
- Acrophobia (chứng sợ độ cao): rất phổ biến trên thế giới. Bệnh nhân sợ đứng ở một nơi rất cao và tránh đến những nơi cao như núi, các tòa nhà. Các triệu chứng kèm theo là chóng mặt, đổ mồ hôi và thậm chí có thể ngất đi. Có khoảng 3% đến 6% người mắc chứng sợ acrophobia mỗi năm.
- Claustrophobia (chứng sợ không gian kín): Người mắc chứng này thường có nỗi sợ kinh hoàng với những không gian nhỏ và kín khiến họ cảm thấy không thể thoát ra. Nếu lỡ ở trong những không gian như vậy, họ sẽ có biểu hiện ngạt thở, tâm trạng hoảng loạn, mất tự chủ hành vi.
- Aviophobia (chứng sợ đi máy bay): Người mắc chứng này sẽ sợ hãi về các hành động liên quan đến chuyến bay như: hạ cánh, cất cánh, bị khóa trong máy bay. Mặc dù, tỷ lệ nguy hiểm khi đi máy bay là cực kỳ thấp nhưng bệnh nhân vẫn không thể bỏ qua nỗi sợ hãi.
- Chứng sợ nha sĩ: Đây là nỗi sợ hãi về nha sĩ hoặc các thủ thuật y khoa. Nỗi ám ảnh này xuất phát từ một trải nghiệm tiêu cực tại phòng khám nha sĩ.
- Chứng sợ máu: Bệnh nhân có xu hướng sợ khi nhìn thấy máu của chính mình hoặc của người khác. Chính vì vậy, họ cũng sợ bị chấn thương hoặc gây tai nạn cho người khác.
- Nyctophobia (chứng sợ bóng tối): xuất hiện phổ biến ở trẻ em. Trẻ thường sợ ở trong bóng tối và không thích tắt điện khi đi ngủ.
- Chứng ám ảnh khác: Ngoài ra, còn có các loại ám ảnh khác đang dày vò cuộc sống của nhiều người. Một số có thể sợ các loại động vật như rắn, chó, côn trùng, môi trường tự nhiên như nước, sấm sét, …
2. Ám ảnh xã hội
Ám ảnh xã hội là chứng rối loạn cảm xúc mà người bệnh thường xuyên có cảm giác lo lắng đối với các tình huống trong xã hội. Điều này xuất phát từ suy nghĩ xấu hổ hành vi của mình và luôn tưởng tượng người khác sẽ soi mói và đánh giá không tốt.
Các hoạt động khiến bệnh nhân ám ảnh xã hội sợ hãi và lo lắng, bao gồm:
- Thuyết trình / Nói chuyện ở nơi đông người
- Gặp gỡ người lạ
- Ăn uống ở nơi công cộng
- Sử dụng nhà vệ sinh công cộng
Ám ảnh xã hội thường dễ bị nhầm lẫn với tính cách nhút nhát. Những người nhút nhát có thể lo lắng với tình huống xã hội nhưng ở mức độ nhẹ hơn các bệnh nhân ám ảnh xã hội. Tuy nhiên, người nhút nhát sẽ có nguy cơ cao phát triển chứng ám ảnh xã hội.
3. Chứng sợ đám đông
Người mắc chứng sợ đám đông sẽ có biểu hiện căng thẳng, sợ sệt khi ở những nơi công cộng, khi họ cảm thấy nếu bước ra ngoài đột ngột sẽ cực kỳ xấu hổ và tồi tệ. Họ sẽ cố gắng tránh những địa điểm hoặc vấn đề khiến họ sợ hãi.
Những dấu hiệu của chứng sợ đám đông là:
- Đi ra ngoài một mình.
- Không dám ở nhà một mình.
- Sợ hãi khi ở trong một đám đông.
- Đang ở trong thang máy hoặc trong phương tiện công cộng.
Chứng sợ đám đông có liên quan mật thiết với chứng rối loạn lo âu hoảng sợ. Bệnh nhân mắc chứng sợ đám đông có thể đã từng đối diện với cơn hoảng sợ kinh hoàng xảy ra bất ngờ và khiến họ nghĩ rằng nó có thể quay lại bất cứ lúc nào. Từ đó, họ tránh tiếp xúc hoàn toàn với những tình huống, sự vật này và dường như chỉ muốn ở nhà mãi mãi.
Nguyên nhân gây rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi
Bất kỳ ai cũng có thể mắc rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi. Và phần lớn, bệnh nhân sẽ gặp phải nhiều hơn một loại ám ảnh sợ hãi trong đời. Nhiều giả thiết chứng minh rằng nguy cơ phát triển ám ảnh sợ hãi có liên quan nhiều đến sự di truyền và nhân tố môi trường.
1. Yếu tố di truyền
Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi có mối liên hệ với yếu tố di truyền. Tỷ lệ di truyền chứng ám ảnh sợ hãi vào khoảng 50%. Đối với những người có người thân cấp độ 1 mắc chứng ám ảnh sợ hãi cụ thể, có nguy cơ cao mắc chứng bệnh này.
Tương tự, rối loạn lo âu xã hội có khả năng phát triển ở những người có người thân mắc bệnh cao gấp từ hai đến sáu lần so với những người khác. Riêng chứng sợ đám đông được nghiên cứu là có mối liên hệ di truyền mạnh nhất.
2. Trải qua sang chấn tâm lý
Đây được xem như tác nhân lớn nhất liên quan đến sự phát triển chứng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi. Những sự kiện gây tổn thương nghiêm trọng đến tinh thần và thể chất của một người trong quá khứ có thể phát triển thành chứng ám ảnh sợ hãi.
Các cuộc khảo sát cũng cho thấy, người mắc ám ảnh sợ hãi chủ yếu là trẻ em và phụ nữ – những đối tượng gặp nhiều tổn thương tâm lý. Bệnh ám ảnh sợ hãi thường là hậu quả của những sự kiện như suýt chết đuối, bị bạo hành, bị lạm dụng tình dục, mất người thân, gặp tai nạn do rơi từ độ cao xuống, bị động vật cắn,…
3. Học tập qua quan sát trải nghiệm của người khác
Con người có khả năng tiếp thu nỗi sợ hãi của người khác thông qua quá trình quan sát. Điều này đặc biệt phổ biến ở trẻ em khi chúng có xu hướng bắt chước và làm theo. Nếu ba mẹ có hành vi sợ hãi đối với một con vật thì đứa trẻ cũng sẽ có nỗi sợ hãi tương tự ba mẹ nó.
Ngoài ra, việc học tập bằng quan sát cũng được chứng minh là có hiệu quả hơn nếu có sự tổn thương về thể chất. Ví dụ điển hình cho điều này là trường hợp ám ảnh sợ hãi với chó. Khi đứa trẻ nhìn thấy bạn nó bị chó cắn chảy máu chân, sẽ khiến nó sợ hãi và ám ảnh hơn.
Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi có nguy hiểm không?
Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi xuất hiện rất phổ biến và không phân biệt bất kỳ độ tuổi, giới tính nào. Theo thống kê của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, có 8,7% đến 18,1% người Mỹ mắc chứng ám ảnh sợ hãi. Những ám ảnh cụ thể thường bắt đầu thời thơ ấu trong khi chứng sợ đám đông và ám ảnh xã hội xuất hiện nhiều ở độ tuổi trưởng thành.
Chứng ám ảnh sợ hãi ở người trưởng thành ít có khả năng tự biến mất, nếu không có phương pháp điều trị sớm. Chứng ám ảnh sợ hãi không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống thể chất và tinh thần mà còn có thể làm tăng nguy cơ mắc các loại bệnh tâm thần khác, điển hình là các chứng rối loạn lo âu khác, trầm cảm và lạm dụng chất kích thích.
Cách chẩn đoán chứng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi
Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi được chẩn đoán khi có cảm giác lo sợ quá mức về đối tượng và tình huống cụ thể với những triệu chứng rõ ràng và kéo dài hơn 6 tháng. Các chuyên gia sẽ chẩn đoán dựa trên những biểu hiện lâm sàng thông qua tiêu chí của DSM – 5.
Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe tổng quát để xác định xem cơ thể có bệnh lý nào khác (có thể là nguyên nhân dẫn tới ám ảnh sợ hãi) và lập phác đồ điều trị sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng sẽ kiểm tra sức khỏe tâm thần cùng trải nghiệm tiêu cực (nếu có) giúp việc chẩn đoán bệnh nhanh chóng và chính xác hơn.
Phương án điều trị bệnh rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi
Đối với những chứng ám ảnh cụ thể, khả năng điều trị khỏi thành công là rất cao, thậm chí có thể tự biến mất nếu bệnh nhân là trẻ em. Cách điều trị cho những ám ảnh cụ thể là cho bệnh nhân tiếp xúc với các đối tượng, tình huống gây sợ hãi.
Đối với các ám ảnh phức tạp hơn (bao gồm ám ảnh xã hội và sợ đám đông) cần thời gian điều trị lâu hơn, với liệu pháp hành vi và có thể kèm theo thuốc để giảm triệu chứng.
1. Liệu pháp hành vi
Liệu pháp hành vi đưa bệnh nhân tiếp xúc trực tiếp với đối tượng, tình huống khiến họ sợ hãi, từ đó giúp não nhận diện những điều này đúng thực tế hơn và giảm mức độ sợ hãi quá khích của họ. Thực tế, các chuyên gia thường áp dụng một số phương pháp hỗ trợ như thư giãn cơ bắp,phương pháp phơi nhiễm, sử dụng kỹ thuật thực tế ảo.
Những liệu pháp được áp dụng điều trị rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi là:
- Liệu pháp tiếp xúc: được thực hiện bằng cách cho phép người bệnh đối diện trực tiếp với đối tượng gây ám ảnh. Mức độ tiếp xúc sẽ tăng dần lên dựa theo cơ chế thích nghi của con người, ban đầu là tưởng tượng, sau đó tiếp xúc với mô hình giản lập và cuối cùng là tiếp xúc thực tế. Liệu pháp này đặc biệt hiệu quả với các chứng ám ảnh cụ thể và khả năng khỏi là rất cao.
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): được áp dụng thông qua hoạt động giao tiếp giúp người bệnh xác định nguồn gốc của sự sợ hãi. Từ đó, thay đổi những suy nghĩ tiêu cực, niềm tin bị sai lệch và phản ứng tiêu cực đối với tình huống gây ám ảnh. Hiện nay, CBT được thực hiện với công nghệ thực tế ảo để người bệnh tiếp xúc với nguồn gốc ám ảnh một cách an toàn.
2. Điều trị bằng thuốc
Thuốc thường không được chỉ định điều trị độc lập mà chỉ được kết hợp với liệu pháp tâm lý để ức chế một số triệu chứng của lo lắng như đau đầu, rối loạn tiêu hóa,…Một số thuốc chống lo âu cần sử dụng trong ngắn hạn vì có khả năng gây nghiện và khiến bệnh nhân dễ lạm dụng quá liều. Về lâu dài, những loại thuốc chống trầm cảm có hiệu quả cao nhưng sẽ kèm theo những tác dụng phụ ngoại ý.
Những loại thuốc thường dùng trong điều trị rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi bao gồm:
- Thuốc chống trầm cảm: gồm chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI ), chất ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine ( SNRI ). Những loại thuốc này có tác động đến lượng serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh trong não có tác dụng cải thiện tâm trạng rất hiệu quả. Nếu SSRI không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOI) để điều trị chứng ám ảnh sợ xã hội. Lưu ý, thuốc chống trầm cảm thường kèm theo những tác dụng phụ ban đầu như buồn nôn, đau đầu, đau bụng,…
- Thuốc an thần: chủ yếu là Benzodiazepines (clonazepam, alprazolam) có tác dụng làm giảm mức độ lo lắng, giúp bệnh nhân thư giãn tinh thần. Thuốc này thường được chỉ định trong các trường hợp mãn tính. Tuy nhiên, thuốc kèm theo tác dụng phụ và gây lạm dụng nếu sử dụng trong lâu dài nên cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Thuốc chẹn beta: có thể ngăn chặn các triệu chứng do tác động của adrenalin, chẳng hạn như đổ mồ hôi, tim đập nhanh, run rẩy. Thuốc chẹn beta được sử dụng trước khi đối mặt với tình huống gây ám ảnh sẽ giảm bớt các triệu chứng trên. Tuy nhiên, thuốc chẹn beta không có hiệu quả đối với chứng rối loạn lo âu xã hội lan tỏa.
Chứng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi có thể khiến cuộc sống của một cá nhân trở nên đau khổ, tràn ngập bi quan, tiêu cực. Tệ hơn, nó còn dẫn dắt đến với con đường lạm dụng chất kích thích và trầm cảm. Tuy nhiên, các ám ảnh sợ hãi có khả năng điều trị khỏi nếu có phương án điều trị phù hợp và khả năng kiểm soát nỗi sợ hãi để có một cuộc sống viên mãn, hạnh phúc như những người bình thường khác.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!