Sỏi đường mật trong gan là gì? Bệnh nguy hiểm như thế nào?
Nội dung bài viết
Sỏi đường mật trong gan là bệnh lý phức tạp và có nguy cơ phát sinh biến chứng rất cao. Nếu không tiến hành xử lý đúng cách sẽ khiến sức khỏe của người bệnh bị ảnh hưởng đáng kể, thậm chí là đe dọa đến tính mạng. Để hiểu rõ hơn về bệnh sỏi đường mật trong gan và các biến chứng có thể gặp phải thì bạn hãy cùng tôi theo dõi bài viết sau đây.
Sỏi đường mật trong gan là gì? Nguyên nhân gây bệnh
Sỏi đường mật trong gan là sự xuất hiện của sỏi mật bên trong ống gan trái hoặc ống gan phải, bệnh lý này còn được gọi với cái tên khác là sỏi gan. Bệnh sỏi đường mật trong gan xảy ra khá phổ biến ở các quốc gia thuộc khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam. Tương tự như sỏi mật, sỏi đường mật trong gan cũng được chia thành 2 dạng là sỏi sắc tố mật và sỏi cholesterol.
Thống kê y khoa nước ta cho thấy, sỏi sắc tố mật chiếm đa số trên tổng số trường hợp bệnh. Loại sỏi này có chứa thành phần chính là sắc tố mật (bilirubin), đây là sản phẩm thoái hóa của hồng cầu được gan đào thải ra theo định kỳ. Bác sĩ chuyên khoa cho biết, nguyên nhân chính gây ra bệnh sỏi đường mật trong gan là do nhiễm trùng dịch mật.
Lúc này, ký sinh trùng bên trong đường ruột sẽ di chuyển lên đường mật mang theo một số loại vi khuẩn có hại như Klebsiella, E. coli, S. faecalis,… Các vi khuẩn này khi đi vào đường mật sẽ tiết ra enzyme thủy phân glucuronide gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa bilirubin. Lúc này, bilirubin sẽ không được đào thải ra ngoài mà dần tích tụ lại, kết hợp với canxi hoặc xác vi khuẩn để hình thành nên sỏi đường mật.
Một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ hình thành sỏi đường mật trong gan là:
- Mắc các bệnh lý về gan như viêm gan, xơ gan, suy gan,… khiến thành phần trong dịch mật bị mất cân bằng
- Mắc bệnh teo đường mật bẩm sinh hoặc có sự xuất hiện của khối u bên trong đường mật khiến dịch mật bị ứ đọng tại gan.
- Mắc bệnh tan máu khiến hồng cầu bị phá hủy và tạo ra lượng lớn libirubin.
- Thừa cân, béo phì và lười vận động đã gây ảnh hưởng đến chức năng của đường mật và túi mật.
Dấu hiệu nhận biết sỏi đường mật trong gan
Người bệnh cần đặc biệt chú ý đến tình trạng sức khỏe của bản thân để sớm phát hiện ra dấu hiệu bất thường và có các biện pháp xử lý đúng cách ngay từ sớm. Thông thường, bệnh sỏi đường mật trong gan sẽ tiến triển qua hai giai đoạn, ở mỗi giai đoạn sẽ có các dấu hiệu đặc trưng riêng. Cụ thể là:
+ Giai đoạn nhẹ: Sỏi chỉ mới phát triển với kích thước bé. Lúc này người bệnh sẽ có cảm giác chướng bụng, no lâu sau khi ăn và đau nhẹ tại gan. Ở giai đoạn này, triệu chứng của bệnh biểu hiện ra bên ngoài không rõ ràng khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc phát hiện bệnh và có biện pháp xử lý đúng cách ngay từ sớm.
+ Giai đoạn nặng: Sỏi dần phát triển với kích thước lớn gây chèn ép lên các tế bào khỏe mạnh trong gan. Lúc này, các triệu chứng của bệnh sẽ rõ ràng hơn so với giai đoạn đầu. Cụ thể là:
- Đau quặn bụng: Xuất hiện cơn đau quặn ở vùng gan, cơn đau có thể kéo dài trong vài giờ liền. Cảm giác đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi về đêm hoặc sau khi ăn đồ nhiều dầu mỡ. Nhiều trường hợp còn bị đau quặn bụng kèm theo nôn mửa.
- Vàng da: Hàm lượng bilirubin trong gan không được đào thải ra ngoài sẽ dần tích tụ lại bên trong cơ thể và gây ra triệu chứng vàng da, vàng niêm mạc. Khi đi ngoài bạn sẽ thấy phân bị bạc màu còn nước tiểu thì sậm màu hơn. Nhiều trường hợp còn cảm thấy ngứa ngáy da rất khó chịu, sau khi uống thuốc chống dị ứng thì triệu chứng này vẫn không thuyên giảm.
- Sốt cao: Khi bệnh phát sinh ra biến chứng viêm đường mật, người bệnh sẽ bị sốt cao đột ngột trong vài giờ. Tình trạng này có thể diễn ra lặp lại từ vài tuần cho đến vài tháng. Ở trường hợp sốt càng cao thì tình trạng đau nhức ở hạ sườn phải diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
- Vấn đề về đường tiêu hóa: Người bệnh sẽ có các dấu hiệu như chán ăn, sợ thức ăn dầu mỡ, hay bị buồn nôn và gầy sút cân nghiêm trọng.
Bệnh sỏi đường mật trong gan có nguy hiểm không?
Sỏi sắc tố mật thường có màu vàng xanh, cấu tạo dạng viên hoặc dạng bùn. Chúng có thể tập trung thành từng đám hoặc nằm rải rác sâu bên trong nhu mô gan. Chính vì thế mà chuyên gia đánh giá, sỏi đường mật trong gan là bệnh lý gan mật phức tạp và rất khó phát hiện ra. Chỉ đến khi bệnh đã gây ra biến chứng tới các cơ quan khác, bạn mới thăm khám và phát hiện ra bệnh.
Gan là cơ quan nắm giữ nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể. Khi sỏi xuất hiện trong gan sẽ gây ra một số biến chứng nguy hiểm sau đây:
- Nhiễm trùng đường mật: Khi đường mật bị nhiễm trùng người bệnh sẽ có triệu chứng sốt cao kéo dài, rét run, mệt mỏi, choáng váng,… Nhiều trường hợp còn bị tắc mật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
- Viêm gan: Khi đường mật bị tắc, vi khuẩn trong đường mật sẽ có cơ hội phát triển và tấn công vào gan gây viêm nhiễm. Nếu không tiến hành điều trị đúng cách sẽ hình thành nên các ổ mủ và ổ áp xe tại gan.
- Xơ gan: Biến chứng viêm gan nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời sẽ khiến các tế bào gan bị tổn thương không thể phục hồi. Lúc này, gan sẽ bị suy giảm chức năng vốn có, dần xơ hóa và gây ra bệnh xơ gan. Nếu bệnh xơ gan diễn ra kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng đào thải độc tố của gan và tác động xấu đến sức khỏe.
- Nhiễm trùng huyết: Nhiễm trùng huyết thường xảy ra ở mức độ cấp tính với các triệu chứng đặc trưng là sốt cao, tắc mật nặng, rối loạn huyết động,… Nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách sẽ đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
- Ung thư đường mật trong gan: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của căn bệnh sỏi đường mật trong gan. Thống kê y khoa cho biết, có khoảng 3 – 10% số ca sỏi gan biến chứng sang ung thư. Bệnh lý này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và làm suy giảm tuổi thọ của người bệnh.
Với những thông tin trên thì ta thấy được, sỏi đường mật trong gan là bệnh lý rất nguy hiểm và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ngay khi có các dấu hiệu ban đầu của bệnh bạn cần thăm khám để được chẩn đoán và hướng dẫn điều trị đúng cách ngay từ sớm. Tránh để lâu phát sinh biến chứng đe dọa đến tính mạng.
Phương pháp điều trị sỏi đường mật trong gan
Khi có các dấu hiệu của bệnh, bạn cần nhanh chóng thăm khám và điều trị chuyên khoa để tránh gây nguy hiểm đến tính mạng. Việc chẩn đoán bệnh sỏi đường mật trong gan thường diễn ra khó khăn hơn so với bệnh sỏi mật hay sỏi ống mật. Để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác về bệnh lý, bác sĩ cần phải thăm khám triệu chứng lâm sàng và thực hiện thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng. Cụ thể là:
- Chẩn đoán lâm sàng: Kiểm tra các triệu chứng của bệnh như sốt cao, vàng da, đau quặn bụng.
- Làm xét nghiệm cận lâm sàng: Các xét nghiệm thường được sử dụng để chẩn đoán bệnh là xét nghiệm sinh hóa (kiểm tra nồng độ bilirubin trong máu, công thức máu, tốc độ lắng máu,…) và chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, chụp MRI, chụp CT,…)
Sau khi đã có kết quả chẩn đoán chính xác về bệnh lý, bác sĩ sẽ dựa vào đó để tư vấn cho người bệnh phương pháp điều trị phù hợp, giúp nhanh chóng kiểm soát tình trạng bệnh. Dưới đây là các phương pháp điều trị bệnh sỏi đường mật trong gan mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:
Chữa bệnh bằng mẹo dân gian
Đây là cách trị bệnh rất dễ thực hiện, an toàn cho sức khỏe và ít tốn kém chi phí. Bạn có thể tận dụng các nguyên liệu có sẵn trong nhà để trị bệnh như quả sung, dầu oliu, đu đủ xanh,… Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về cách thực hiện bạn có thể tham khảo:
+ Dùng dầu oliu và chanh tươi
- Ở cách trị bệnh này bạn cần phải để bụng rỗng trong 12 tiếng trước khi áp dụng thì mới có thể mang lại hiệu quả.
- Lúc này bạn chỉ cần lấy dầu oliu hòa với nước cốt chanh theo tỷ lệ 4:1 rồi dùng để uống.
- Cứ sau 15 phút là uống 1 cốc, thực hiện liên tục trong 2 tiếng bạn sẽ thấy triệu chứng bệnh thuyên giảm.
+ Đu đủ xanh
- Đu đủ xanh nên chọn quả nhiều nhựa, không quá non cũng không quá già để trị bệnh.
- Đu đủ sau khi mua về đem rửa sạch với nước, bổ đôi để lọc bỏ hết hạt rồi thái thành lát. Nên giữ nguyên lớp vỏ đu đủ xanh khi dùng để trị bệnh.
- Cho đu đủ vào một cái bát sạch, thêm một ít muối hạt vào rồi đem đi hấp cách thủy cho đến khi chín mềm.
- Lấy đu đủ ra để cho nguội bớt rồi chia thành nhiều phần dùng để ăn trong ngày.
- Sử dụng liên tục trong 3 tháng bạn sẽ thấy bệnh có chuyển biến tích cực.
+ Dùng quả sung tươi
- Nên chọn mua quả sung bánh tẻ để trị bệnh để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất.
- Sung sau khi mua về đem rửa sạch rồi vớt ra để cho ráo nước. Thái sung thành lát mỏng rồi đem phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.
- Mỗi ngày bạn chỉ cần lấy khoảng 250 gram sung khô sắc với nước rồi dùng để uống thay nước lọc
- Áp dụng cách trị bệnh này đều đặn mỗi ngày, sau 2 tháng thực hiện bạn sẽ thấy triệu chứng của bệnh thuyên giảm hẳn.
Chữa bệnh theo Đông y
Theo Đông y, bệnh sỏi đường mật trong gan khởi phát do chức năng gan bị đình trệ và dịch mật ứ đọng lâu ngày. Dùng thuốc Đông y trị bệnh tại nhà sẽ giúp cải thiện triệu chứng của bệnh và nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Dưới đây là 2 bài thuốc Đông y trị sỏi đường mật trong gan được áp dụng phổ biến hiện nay bạn có thể tham khảo:
+ Bài thuốc số 1:
- Thành phần: 40 gram kim tiền thảo, 12 gram sinh đại hoàng, 12 gram quảng mộc hương, 12 gram uất kim, 12 gram nhân trần, 12 gram chỉ xác
- Cách dùng: Cho toàn bộ số dược liệu trên vào ấm cùng với lượng nước vừa đủ, bắc lên bếp sắc cho đến khi nước cạn còn 1/2 thì tắt bếp. Chắt lấy lượng nước sắc thu được, chia thành 2 phần dùng để uống hết trong ngày.
+ Bài thuốc số 2:
- Thành phần: 20 gram kim tiền thảo, 15 gram hổ trượng, 15 gram nhân trần, 15 gram bạch thược, 12 gram uất kim, 12 gram chỉ thực, 12 gram sinh đại hoàng, 12 gram chi tử, 12 gram hoàng cầm, 12 gram sài hồ, 6 gram mộc hương
- Cách dùng: Đem toàn bộ số dược liệu trên đi sắc cùng với lượng nước vừa đủ cho đến khi cạn còn 1/3 so với ban đầu là được. Chia lượng nước sắc thu được thành 2 phần để dùng trong ngày.
Chữa bệnh theo y học hiện đại
Sỏi đường mật thường xuất hiện ở sâu bên trong lòng gan và không nằm cố định một chỗ, điều này đã khiến cho việc điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Bác sĩ chuyên khoa cho biết, do thành phần chính của sỏi gan là bilirubin nên không thể dùng thuốc Tây y để làm tan sỏi. Lúc này, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị bằng phương pháp can thiệp ngoại khoa để lấy sỏi ra bên ngoài. Dưới đây là các thủ thuật được áp dụng phổ biến trong y khoa bạn có thể tham khảo:
+ Mổ hở lấy sỏi: Ở thủ thuật này, bác sĩ sẽ tiến hành lấy sỏi bằng cách thực hiện một ca phẫu thuật lớn tại gan. Do đây là phương pháp mổ hở nên sẽ gây đau đớn kéo dài sau khi thuốc tê hết tác dụng và cần nhiều thời gian để phục hồi tổn thương.
+ Mổ nội soi lấy sỏi: Mổ nội soi là phương pháp can thiệp tối thiểu, lúc này sỏi sẽ được lấy ra khỏi gan bằng cách mổ nội soi qua da. Đây là phương pháp trị bệnh có độ an toàn cao hơn nên được áp dụng phổ biến hiện nay.
+ Nội soi mật tụy ngược dòng: Chi phí điều trị của phương pháp này ở mức khá cao do phải sử dụng thiết bị y tế hiện đại để trị bệnh. Ở nước ta, mổ nội soi mật tụy ngược dòng để lấy sỏi gan vẫn chưa được áp dụng phổ biến, rất ít cơ sở y tế thực hiện trị bệnh bằng phương pháp này.
+ Cắt gan: Thống kê cho thấy, có khoảng 15% trường hợp bị sỏi gan phải tiến hành cắt một phần gan. Phương pháp này thường được áp dụng đối với những trường hợp bệnh nặng, sỏi tại gan xuất hiện với số lượng nhiều và kết thành chùm gây chèn ép lên gan. Lúc này, các phương pháp điều trị bệnh ở trên sẽ không mang lại hiệu quả tích cực, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện phẫu thuật cắt bỏ phần gan bị teo do gắn sỏi. Sau khi phẫu thuật cắt gan, chức năng sản sinh dịch mật và đào thải độc tố của gan cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
Những điều cần lưu ý dành cho người bệnh
Hầu hết các trường hợp bị sỏi đường mật trong gan đều được chỉ định phẫu thuật để lấy sỏi ra. Sau khi phẫu thuật người bệnh cần phải có chế độ ăn kiêng và tập luyện hợp lý để hỗ trợ phục hồi tổn thương sau phẫu thuật. Dưới đây là những điều cần lưu ý sau khi phẫu thuật trị sỏi gan, người bệnh cần nắm rõ:
- Tuân thủ theo nguyên tắc ăn chín uống sôi, kiêng cữ hoàn toàn với đồ ăn tái sống. Nói không với các loại thực phẩm độc hại như rượu bia, chất kích thích,…
- Loại bỏ các loại thực phẩm giàu chất béo ra khỏi thực đơn ăn uống hàng ngày như thịt mỡ, nội tạng động vật, đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ,…
- Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm giàu đạm như hải sản, thịt đỏ,… để giảm nguy cơ hình thành sỏi. Người bệnh có thể bổ sung đạm cho cơ thể bằng thịt trắng hoặc thịt nạc nhưng chỉ được ăn với liều lượng vừa đủ.
- Tăng cường bổ sung các loại rau xanh và hoa quả tươi vào trong thực đơn ăn uống hàng ngày. Thành phần vitamin và khoáng chất trong nhóm thực phẩm này sẽ giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi sau khi phẫu thuật.
- Tập luyện đi bộ từ từ và nhẹ nhàng sẽ có tác động rất tích cực đến quá trình phục hồi tổn thương. Sau phẫu thuật bạn không nên thực hiện các vận động mạnh như chạy, tập gym,…
- Tiến hành tẩy giun 6 tháng/lần để làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn đường ruột. Thăm khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện ra bệnh và có các biện pháp can thiệp đúng cách ngay từ sớm.
Trên đây là tổng hợp những thông tin cần biết về bệnh sỏi đường mật trong gan bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn. Đây là bệnh lý nguy hiểm cần được phát hiện và xử lý kịp thời để tránh phát sinh biến chứng đe dọa đến tính mạng.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!