Viêm da mủ (Viêm da nhiễm khuẩn): Nguyên nhân và cách điều trị
Nội dung bài viết
Bệnh viêm da mủ ( hay viêm da nhiễm khuẩn ) là một dạng nhiễm trùng da do tụ cầu và liên cầu khuẩn gây ra. Bệnh được chia thành nhiều dạng khác nhau với phương pháp điều trị chính là sử dụng thuốc kháng sinh kết hợp với một số loại thuốc khác giúp tiêu diệt vi khuẩn và phục hồi làn da bị tổn thương.
Bệnh viêm da mủ là gì?
Bệnh viêm da mủ trong y học còn có tên gọi khác là viêm da nhiễm khuẩn. Căn bệnh này chỉ tình trạng da bị vi khuẩn tấn công gây viêm đỏ, tạo mủ kèm theo nhiều triệu chứng khó chịu khác.
Trên cơ thể của chúng ta, làn da chiếm diện tích lớn nhất. Bộ phận này đảm nhận chức năng quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các tác nhân gây hại như vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm, ánh nắng mặt trời hay hóa chất, chất tẩy rửa. Do thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài, làn da rất dễ bị suy yếu và khi gặp các điều kiện thuận lợi, da có thể trở thành mảnh đất màu mỡ để vi khuẩn sinh sôi, phát triển mạnh. Chúng tấn công trực tiếp vào trong lớp biểu bì của da và tiết ra độc tố khiến da bị kích ứng, sưng viêm, làm mủ.
Bất cứ ai cũng có thể bị viêm da nhiễm trùng. Tuy nhiên, việc vệ sinh thân thể kém, có vết thương hở trên da hoặc thời tiết nóng nực chính là thời cơ lý tưởng nhất để tác nhân gây bệnh tấn công vào da và dẫn đến nhiễm trùng.
Ở mức độ nhẹ, bệnh viêm da mủ có thể được điều trị khỏi trong thời gian ngắn bằng một số loại thuốc không kê toa kết hợp với các biện pháp chăm sóc da tại nhà . Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm hoặc điều trị không đúng cách, nhiễm trùng sẽ ngày càng lan rộng và gây tổn thương sâu cho da, khiến làn da của bạn gặp nhiều di chứng nặng nề.
Nguyên nhân gây viêm da mủ
Bệnh viêm da mủ do vi khuẩn gây ra. Chủ yếu là các loại vi khuẩn như liên cầu khuẩn streptococcus và tụ cầu khuẩn staphylococcus. Bình thường chúng có thể sống ký sinh trên bề mặt da với số lượng ít nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển mạnh và tấn công vào da dẫn đến bệnh viêm da nhiễm khuẩn.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm da mủ bao gồm:
- Không chú trọng vệ sinh thân thể hoặc chăm sóc da không đúng cách
- Môi trường sống hay nguồn nước sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày bị ô nhiễm
- Sử dụng hóa mỹ phẩm chứa chất tẩy mạnh, không phù hợp với da
- Chấn thương da, chẳng hạn như vết trầy xước
- Suy giảm hệ miễn dịch
- Chế độ ăn uống không đầy đủ, thiếu chất dinh dưỡng cần thiết cho da
- Mắc bệnh tiểu đường hay các vấn đề khác về da như ngứa da, bệnh chàm,…
- Da đổ nhiều mồ hôi hoặc thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời gay gắt
- Căng thẳng thần kinh kéo dài
Các loại viêm da mủ và triệu chứng nhận biết
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh, viêm da mủ được chia thành hai thể bệnh chính gồm viêm da mủ do liên cầu khuẩn và viêm da mủ do tụ cầu khuẩn. Mỗi thể bệnh lại được chia thành các dạng nhỏ có đặc điểm lâm sàng khác nhau. Cụ thể như sau:
1. Bệnh viêm da mủ do liên cầu khuẩn
Liên cầu khuẩn thường tấn công vào các vùng da có nhiều lông hoặc những nơi da bị đổ nhiều mồ hôi và chất bã nhờn. Bệnh viêm da nhiễm khuẩn dạng này chủ yếu ảnh hưởng đến người dân sinh sống ở nơi có nguồn nước bị ô nhiễm, đặc biệt là các đối tượng ở các vùng bị ngập lụt.
Khi tấn công vào da, liên cầu khuẩn có thể gây ra nhiều dạng viêm da mủ như:
Hăm kẽ – intertrigo:
Bệnh hăm kẽ là một dạng viêm da nhiễm khuẩn chủ yếu ảnh hưởng đến đối tượng bị béo phì hoặc người có tuyến mồ hôi hoạt động mạnh, bao gồm cả trẻ em và người lớn. Khu vực bị tổn thương là những vùng da có nếp gấp, chẳng hạn như cổ, khuỷu tay, bẹn, kẽ mông hay sau tai.
Khu vực bị hăm kẽ thường có biểu hiện tấy đỏ, rỉ dịch. Kèm theo đó là tình trạng viêm loét, chảy nước và dịch mủ. Người bệnh thường có cảm giác đau rát vô cùng khó chịu.
Viêm quầng – Erysipelas:
Bệnh do vi khuẩn Streptococcus pyogenes gây nhiễm trùng trên bề mặt da hoặc dưới da. Chủng liên cầu khuẩn này có độc tố khá mạnh nên gây nguy cơ tử vong cao. Đối tượng nhiễm bệnh chủ yếu là trẻ em, người cao tuổi hay các trường hợp đang mắc bệnh lý khác.
Sau khi xâm nhập vào da, chúng có thể ủ bệnh trong thời gian từ 2 – 5 ngày. Bước vào giai đoạn bùng phát, người bệnh có thể bị sốt cao một cách đột ngột, ớn lạnh trong người, co giật kèm theo tình trạng nôn ói, đau đầu. Vùng da bị bệnh xuất hiện các quầng da có hiện tượng căng bóng, sưng phù, tấy đỏ kích thước to nhỏ khác nhau ( từ vài cm tới vài chục cm), bờ nhô cao hơn so với bề mặt da khỏe mạnh, có ranh giới rõ ràng và ấn vào thấy đau.
Trường hợp nghiêm trọng, bệnh viêm quầng gây sốt cao li bì, nổi hạch bạch huyết gần vị trí da tổn thương. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm khớp hay viêm nội tâm mạc… Đặc biệt nếu trẻ bị bệnh gặp biến chứng thì có nguy cơ bị tử vong lên đến 50%.
Chốc
Chốc cũng là một dạng thường gặp của viêm da mủ. Trong trường hợp này, tác nhân gây bệnh thường do liên cầu khuẩn kết hợp với tụ cầu khuẩn gây tổn thương cho da, tập trung ở các vùng như đầu, mặt, cổ, tay chân. Tổn thương ban đầu là các bọng nước nhỏ hình tròn xuất hiện trên quầng da viêm đỏ. Dịch nước trong rồi dần dần hóa mủ đục. Sau vài ngày, mụn đóng vảy tiết màu vàng, khi bong tróc sẽ để lại một lớp trợt đỏ, bề mặt nông. Nếu không được kiểm soát tốt, nhiễm trùng có thể lan rộng sang các vùng da khác.
Bệnh chốc cũng được chia thành các dạng sau:
- Chốc đầu: Các bọng nước sau khi xẹp xuống hoặc bị bể sẽ khô lại và kết vảy vàng sẫm, bên dưới là lớp da trợt đỏ, rỉ nước. Nó có thể khiến tóc bệnh nhân bị bết dính.
- Chốc loét (Ecthyma): Tổn thương thường xuất hiện ở chân, đặc biệt là các trường hợp có tiền sử bị bệnh tiểu đường, giãn tĩnh mạch, lạm dụng bia rượu hoặc ăn uống thiếu chất dinh dưỡng. Tình trạng viêm nhiễm ăn sâu vào phần trung bì da và khiến da nổi nhiều bọng mủ, có vảy tiết dày vàng sẫm hay nâu đen. Bệnh tái đi tái lại khiến cho vảy mới hình thành xếp đùn thành lớp bên dưới lớp vảy cũ tạo thành vảy ốc. Khi bóc lớp vảy ra, da xuất hiện vết loét thấy rõ ranh giới, nền da tím tái, rò rỉ dịch mủ.
- Chốc mép: Trẻ nhỏ thường bị viêm da nhiễm khuẩn tụ cầu dạng chốc mép. Điểm đặc trưng của thể bệnh này là tình trạng nứt nẻ, rỉ dịch kèm vảy tiết màu vàng ở kẽ mép. Ngoài ra, khu vực bị bệnh còn có cảm giác đau rát và rất dễ bị chảy máu gây khó khăn cho việc ăn uống, nói chuyện. Bệnh có thể lây lan khi sử dụng chung các vật dụng như ly uống nước, thìa, đũa hay khăn mặt.
2. Bệnh viêm da mủ do tụ cầu khuẩn
Vi khuẩn tụ cầu chủ yếu tấn công vào các nang lông. Chúng có thể gây viêm nang lông với các dạng thường gặp là:
Viêm nang lông nông:
Bệnh gây viêm ngay đầu lỗ chân lông, chưa ảnh hưởng vào trong sâu. Khi mới bị nhiễm trùng, lỗ chân lông hơi sưng đỏ và đau, sau đó xuất hiện các nốt mụn nhỏ, bên trong chứa mủ, xung quanh mụn có quầng viêm hẹp. Sau khoảng vài ngày, mụn mủ sẽ khô lại và đóng vảy tiết màu nâu sẫm. Cuối cùng, lớp vảy này sẽ bong tróc ra ngoài mà không để lại sẹo xấu.
Viêm nang lông sâu
Nhiễm trùng gây tổn thương vào sâu trong các nang lông khiến khu vực da ảnh hưởng bị sưng tấy thành từng cụm ở nhiều nơi. Mụn mủ mọc rải rác hoặc xuất hiện thành từng đám xung quanh lỗ chân lông. Các nốt mụn có màu đỏ, bên trong chứa mủ nổi cộm cứng trên da khiến bề mặt da trở nên gồ ghề. Dạng viêm da mủ này có tính chất dai dẳng và rất dễ tái phát.
Nhọt ổ gà
Bệnh không chỉ gây viêm nang lông mà còn ảnh hưởng đến các tuyến mồ hôi và tuyến bã nhờn, chủ yếu là ở vùng nách. Tụ cầu khuẩn thường tấn công vào lớp hạ bì da và hình thành lên túi mủ sâu được gọi là nhọt ổ gà. Ban đầu nốt nhọt nổi thành cục cứng nhưng theo thời gian sẽ mềm hơn và sau đó vỡ ra, rò rỉ nhiều dịch mủ.
Ở vùng nách bị bệnh có thể xuất hiện một hay nhiều nốt nhọt ổ gà cùng lúc. Bệnh thường phát triển vào mùa hè, có thể kéo dài dai dẳng và hay tái phát.
Mụn đinh nhọt
Các nốt đinh nhọt thường có kích thước to kèm theo cảm giác đau nhức, khó chịu và khiến bệnh nhân bị sốt. Tùy theo vị trí bị bệnh mà có các dạng đinh nhọt như đằng đằng ( nhọt mọc trong lỗ tai), đinh râu ( nhọt mọc quanh miệng ) hay nhọt đinh ( mụn mọc ở gáy, lưng hay mông).
Mụn đinh nhọt gây ra bởi chủng tụ cầu khuẩn có độc tính mạnh. Bệnh chủ yếu tấn công người già, người uống nhiều bia rượu hoặc các đối tượng bị tiểu đường. Trường hợp này, người bệnh có nguy cơ bị nhiễm trùng huyết cao dẫn đến tử vong nếu không được xử lý đúng cách.
Cách điều trị viêm da mủ
Để chữa viêm da mủ, bác sĩ thường căn cứ vào nguyên nhân và mức độ tổn thương trên da nhằm chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Bệnh nhân chủ yếu được sử dụng thuốc kháng sinh kết hợp với một số loại thuốc bôi ngoài da khác.
Cụ thể, các loại thuốc được sử dụng trong điều trị viêm da nhiễm khuẩn bao gồm:
Thuốc kháng sinh:
Nhóm thuốc này có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, giảm nhiễm trùng cho da. Thuốc có thể được bào chế dưới dạng uống tác dụng toàn thân hoặc kem bôi điều trị tại chỗ.
Hầu hết mọi đối tượng bị viêm da nhiễm khuẩn đều được chỉ định thuốc kháng sinh, nhất là những người bị chốc lở, mụn đinh nhọt hay viêm nang lông. Các loại thuốc kháng sinh thường được chỉ định là Bactroban, kem Gentamycin hay Chloroxid 1%.
Thuốc sát trùng tại chỗ
Bao gồm:
- Cồn
- Thuốc tím
- Dung dịch Jarish
- Nước muối sinh lý…
Loại thuốc này có tác dụng sát trùng tại chỗ, làm sạch bề mặt da, đồng thời ngăn chặn không cho nhiễm trùng lan rộng.
Thuốc corticoid
Thuốc corticoid có tác dụng chống viêm mạnh bằng cách ức chế miễn dịch. Thuốc cũng giúp xoa dịu cơn ngứa, giảm hiện tượng viêm đỏ, sưng phù trên da, đồng thời đẩy nhanh tốc độ phục hồi ở khu vực bị ảnh hưởng.
Các loại thuốc corticoid thường được bác sĩ kê đơn để điều trị bệnh viêm da mủ bao gồm:
- Hydrocortisone
- Triamcinolone
- Betamethasone,…
Thuốc điều hòa miễn dịch
- Crolimus
- Pimecrolimus
- Omalizumab…
Bên cạnh việc tích cực sử dụng thuốc điều trị viêm da nhiễm khuẩn theo đơn bác sĩ, bệnh nhân được khuyến cáo nên sử dụng thêm kem làm mềm da để cân bằng độ ẩm trên bề mặt da bị ảnh hưởng, giúp cải thiện tình trạng khô da, bong tróc vảy và đẩy nhanh quá trình tái tạo các tế bào da mới. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên thoa kem dưỡng ẩm khi da đã kết vảy, tránh bôi lúc da đang bị nổi mụn, lở loét.
Phòng ngừa bệnh viêm da mủ
Nắm rõ các nguyên nhân gây viêm da mủ có thể giúp bạn xây dựng được phương án dự phòng bệnh hiệu quả hơn. Để ngăn ngừa căn bệnh này, bạn nên tuân thủ thực hiện tốt các biện pháp dưới đây:
- Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da phù hợp tùy theo loại da sở hữu. Đọc kỹ thành phần của từng sản phẩm trước khi mua hàng. Ưu tiên lựa chọn các loại mỹ phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên thân thiện với làn da. Điều này sẽ giúp giảm thiểu được nguy cơ bị kích ứng, dị ứng da dẫn đến sự tiến triển của bệnh viêm da mủ.
- Sử dụng các loại xà phòng hay dầu gội đầu dịu nhẹ để tắm rửa. Tránh dùng các sản phẩm có tính tẩy rửa mạnh, đặc biệt là khi dùng cho trẻ nhỏ.
- Trong quá trình tắm rửa, hãy nhẹ nhàng mát xa toàn bộ cơ thể để kích thích lưu thông máu dưới da. Bạn có thể tắm bằng nước ấm nhưng không nên dùng nước quá nóng sẽ gây mất nước và làm tổn thương đến hàng rào bảo vệ da. Tránh kỳ cọ quá mạnh làm da bị trầy xước và tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tấn công gây viêm da nhiễm khuẩn.
- Có chế độ ăn uống đầy đủ. Ưu tiên các sản phẩm có thể bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất và các dưỡng chất cần thiết cho quá trình tái tạo da. Chẳng hạn như rau xanh, trái cây, cá hồi, hạt chia, hạnh nhân, trà xanh,…
- Hạn chế ăn bánh kẹo ngọt hoặc uống nước ngọt có ga, bia, rượu, đồ uống chứa caffein
- Không thức quá khuya. Đi ngủ sớm và đảm bảo ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày để các cơ quan trong cơ thể được nghỉ ngơi, đồng thời giúp các tế bào da mới được sản sinh đầy đủ, mang đến cho bạn một làn da khỏe mạnh hơn.
- Tránh để thần kinh bị căng thẳng bởi stress có thể làm ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu dưới da và gây rối loạn nội tiết tố. Điều này có thể khiến làn da trở nên suy yếu và dễ bị vi khuẩn tấn công.
- Uống nhiều nước mỗi ngày. Chất lỏng sẽ giúp thanh lọc cơ thể, đào thải độc tố cho da , giúp các tế bào da luôn ngậm đủ nước và có sức sống tốt hơn.
- Tập thể dục mỗi ngày để nâng cao sức khỏe, giúp cơ thể có khả năng phòng vệ tốt hơn khi bị vi khuẩn gây bệnh viêm da mủ tấn công.
Xem thêm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!