Clo test dương tính, âm tính là gì? Cách đọc hiểu xét nghiệm HP
Nội dung bài viết
Xét nghiệm bệnh dạ dày bằng Clo test là một trong những phương pháp chẩn đoán bệnh hiện đại, được nhiều y bác sĩ áp dụng. Thủ thuật xét nghiệm này có thể thực hiện đồng thời khi nội soi dạ dày. Mục tiêu hàng đầu của bài xét nghiệm này là tìm sự tồn tại của vi khuẩn HP trong dạ dày, tá tràng cũng như phát hiện sớm các bệnh lý có liên quan. Tham khảo bài chia sẻ dưới đây để biết thêm thông tin.
Clo test là gì?
Clo test (tên viết tắt của Campylobacter – Like Organism) là một loại xét nghiệm xâm lấn hay còn được gọi là xét nghiệm nhanh urease. Phương pháp này cho phép bác sĩ chẩn đoán viêm dạ dày có sự tồn tại của vi khuẩn HP (viết tắt của Helicobacter pylori) ở niêm mạc tiêu hóa hay không.
Helicobacter pylori là một loại xoắn khuẩn gram âm. Chúng có khả năng tồn tại và phát triển trong môi trường axit dạ dày. Không những vậy, chúng còn có khả năng bài tiết men urease nhằm trung hòa dịch vị và gây tổn thương cho niêm mạc dạ dày. Men urease từ vi khuẩn HP có thể phân hủy ure thành carbon dioxide (CO2) và amoniac (NH3).
Phương pháp Clo test đã vận dụng cơ chế trên để xác định sự hiện diện của vi khuẩn HP trong dạ dày. Nếu có sự hiện diện của chúng thì dung dịch thử nghiệm sẽ chuyển từ vàng sang hồng hoặc đỏ do sự tăng độ pH.
Trên thực tế, xét nghiệm Clo test được chỉ định cho hầu hết các trường hợp nội soi dạ dày phát hiện lớp niêm mạc bị viêm loét, xuất huyết tiêu hóa hoặc tình trạng viêm loét diễn ra tại niêm mạc hành tá tràng. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể thực hiện. Một số trường hợp dưới đây được chuyên gia khuyến cáo không được áp dụng, bao gồm:
- Các trường hợp không thể thực hiện thủ thuật nội soi dạ dày như thủng dạ dày, nghi ngờ bị bỏng dạ dày do uống phải axit, thiếu máu cơ tim cấp, suy hô hấp,…
- Người mắc chứng rối loạn máu đông, cầm máu với tỷ lệ prothrombin < 50% và tiểu cầu < 50G/I
Một số trường hợp khác không được đề cập, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ trước khi tiến hành thực hiện để phòng tránh một số rủi ro không may xảy ra.
Ưu và nhược điểm của xét nghiệm Clo test
Hiện nay, xét nghiệm Clo test được áp dụng khá phổ biến trong việc chẩn đoán bệnh đường tiêu hóa. Tương tự như các thủ thuật khác, kỹ thuật xét nghiệm này cũng tồn tại những mặt ưu điểm và hạn chế nhất định. Cụ thể hơn:
– Ưu điểm:
- Có thể xác định được sự hiện diện của vi khuẩn HP trong dạ dày;
- Thủ thuật đơn giản, thời gian có kết quả nhanh chóng (chỉ trong khoảng 15 – 20 phút);
- Có thể cho phép xác định được vị trí và kích thước của ổ viêm loét trên niêm mạc dạ dày khi kết hợp với kỹ thuật nội soi.
– Hạn chế:
- Có thể gây đau và khó chịu trong và sau khi thực hiện thủ thuật trong vài ngày;
- Chi phí thực hiện khá đắt đỏ so với thủ thuật xét nghiệm HP khác;
- Có thể cho ra kết quả dương tính hoặc âm tính giả.
Quy trình thực hiện xét nghiệm Clo test
Thủ thuật xét nghiệm Clo test được thực hiện bởi bác sĩ có kỹ thuật và nhân viên y tế để hỗ trợ bác sĩ chuẩn bị hồ sơ bệnh án và xử lý một số vấn đề phát sinh nếu có. Thông thường, xét nghiệm Clo test sẽ trải qua các bước cơ bản sau:
Bước 1: Nội soi và sinh thiết mô dạ dày
Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tiền sử bệnh nội khoa, ngoại khoa của bệnh nhân và cả các loại thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng trong những khoảng thời gian gần đây. Khi mọi thứ đã đảm bảo, bác sĩ sẽ tiến hành tiêm thuốc chống co thắt và thuốc an thần (nếu cần thiết). Trong trường hợp nội soi không đau, bệnh nhân sẽ được bác sĩ tiêm thuốc gây mê qua đường tĩnh mạch trên cánh tay để giúp bệnh nhân dễ chịu hơn trong quá trình nội soi. Sau đó là yêu cầu bệnh nhân nằm nghiêng sang bên trái để tiến hành thực hiện thủ thuật nội soi dạ dày để lấy mô sinh thiết.
Thông qua thủ thuật nội soi, bác sĩ sẽ lấy được mẫu xét nghiệm trên bề mặt niêm mạc cung như quan sát được các ổ viêm bên trong.
Bước 2: Làm xét nghiệm Clo test
Bác sĩ sử dụng dung dịch ure – indol vào mô sinh thiết được, lắc nhẹ, sau đó kiểm tra chỉ số pH.
Bước 3: Nhận kết quả xét nghiệm Clo test
Vi khuẩn HP sản xuất ra men urease. Loại men này có khả năng phân hủy ure thành CO2 và NH3. Trong khi đó NH3 được giải phóng sẽ làm tăng độ pH trong dung dịch ure – indol và làm thay đổi màu dung dịch. Sau đó đọc kết quả thu được trong 10 – 15 phút.
Hướng dẫn đọc kết quả xét nghiệm Clo test HP
Dựa vào sự thay đổi màu sắc của dung dịch ure – indol mà bác sĩ có thể kết luận bệnh nhân có bị viêm nhiễm HP hay không. Mỗi sự thay đổi màu sẽ cho ra những kết quả khác nhau. Chi tiết hơn:
1. Kết quả dương tính (+)
Thanh thử nghiệm mẫu sinh thiết chuyển từ màu vàng sang màu hồng hoặc đỏ thì chứng tỏ có sự xuất hiện và hoạt động của vi khuẩn HP trong môi trường acid dạ dày. Lúc này, bệnh nhân cần tiến hành điều trị bệnh để phòng tránh tình trạng xoắn khuẩn này tấn công ồ ạt vào ổ viêm.
2. Kết quả âm tính (-)
Song, kết quả là âm tính nếu dung dịch thử nghiệm không bị đổi màu. Điều này có nghĩa là không có sự hiện diện hay hoạt động nào của virus HP trong môi trường acid dạ dày. Lúc này, bác sĩ có thể loại trừ trường hợp viêm loét dạ dày không do vi khuẩn HP gây ra.
3. Kết quả âm tính/ dương tính giả
Ở một số trường hợp khác, xét nghiệm Clo test có thể cho ra kết quả dương tính hoặc âm tính giả. Tình trạng này xảy ra có thể do những nguyên nhân sau:
- Xét nghiệm Clo test cần một số lượng lớn vi khuẩn để tạo đủ men urease nhằm thay đổi độ pH và đổi màu dung dịch. Vì thế, những trường hợp vừa mới nhiễm thì số lượng vi khuẩn còn hạn chế nên có khả năng gây ra trường hợp âm tính giả là khá cao;
- Xét nghiệm Clo test cho ra kết quả âm tính giả nếu bệnh nhân có sử dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc Bismuth. Do đó, để đảm bảo việc kiểm tra đạt được kết quả chính xác, bệnh nhân cần tạm ngưng sử dụng các loại thuốc này tối thiểu 4 tuần;
- Một số vi khuẩn khác tồn tại bên trong dạ dày có thể làm thay đổi chỉ số pH và gây đổi màu dung dịch, từ đó cho ra kết quả dương tính giả.
Cần làm gì khi nhận kết quả clo test dương tính?
Như vừa được đề cập, xét nghiệm Clo test cho kết quả dương tính (+) thì đồng nghĩa với việc bạn bị nhiễm vi khuẩn HP. Trên thực tế, bạn cần thực hiện thêm một số xét nghiệm khác để loại bỏ trường hợp dương tính giả hay không. Một số xét nghiệm y khoa khác có tác dụng phát hiện vi khuẩn HP như test hơi thở, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân,… Trong trường hợp các xét nghiệm đều có kết quả dương tính thì bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Thông thường, phác đồ điều trị đều tập trung đến mục tiêu chính là ức chế và tiêu diệt vi khuẩn HP. Đồng thời, ngăn chặn các bệnh lý về đường tiêu hóa khởi phát. Hiện nay, có khá nhiều hướng điều trị khác nhau nhưng phổ biến nhất vẫn là phương án điều trị bằng thuốc Tây y. Dù điều trị bằng phác đồ nào đi chăng nữa, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc điều trị được bác sĩ đề ra. Bên cạnh đó, cần chủ động xây dựng lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống khoa học để thúc đẩy nhanh tốc độ hồi phục ổ viêm loét cũng như sức khỏe tổng thể.
Làm xét nghiệm Clo test có gây tác dụng phụ không?
Clo test là kỹ thuật xét nghiệm xâm lấn nên có thể gây ra một hoặc nhiều tình trạng khó chịu, đau rát hoặc buồn nôn khi thực hiện. Một số trường hợp nội soi, bệnh nhân có thể gặp tác dụng phụ do bị dị ứng với thuốc gây mê, thuốc gây tê hoặc tác dụng ngoại của thuốc chống co thắt, thuốc an thần.
Bên cạnh đó, sinh thiết mô khi nội soi cũng có thể gây ra hiện tượng chảy máu kéo dài và hạ huyết áp đối với các đối tượng có cơ địa yếu hay căng thẳng quá mức, tâm lý không ổn định. Ở trường hợp này, bác sĩ sẽ tiến hành xử lý bằng cách tiêm dung dịch cầm máu hoặc bơm rửa nước lạnh.
Trong trường hợp, bệnh nhân thực hiện xét nghiệm Clo test tại các đơn vị y tế kém chất lượng, không đủ hệ thống máy móc, thiếu thiết bị y tế hay kỹ thuật viên thiếu chuyên môn có thể gây trật khớp hàm, tổn thương thực quản, thậm chí gây thủng. Đồng thời, gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhân do dụng cụ không được vô trùng hoàn toàn.
Để giảm thiểu rủi ro cũng như phòng tránh một số tác dụng phụ khác, bệnh nhân nên lựa chọn đơn vị y tế uy tín, có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, trang bị đầy đủ thiết bị y tế và hệ thống máy móc. Song, bạn cần trao đổi với bác sĩ về tình trạng sức khỏe hiện tại cũng như tiền sử dị ứng với thuốc gây tê, thuốc gây mê hay thuốc an thần.
Một số lưu ý trước khi làm xét nghiệm Clo test
Để không làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm Clo test cũng như phòng tránh một số trường hợp rủi ro không may xảy ra, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Bệnh nhân cần phải nhịn ăn tối thiểu 6 giờ đồng hồ để không làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm;
- Không được uống các loại nước có màu trong 5 giờ, đặc biệt là nước có màu đỏ, tím và nâu;
- Hạn chế sử dụng thuốc lá, rượu, bia hay các chất kích thích khác;
- Cần tạm ngưng sử dụng thuốc để không làm sai lệch kết quả xét nghiệm, nhất là các trường hợp sử dụng thuốc chống đông máy hoặc thuốc ức chế ngưng tập tiểu cầu. Bởi vì những loại thuốc này có thể gây chảy máu kéo dài trong quá trình sinh thiết mô;
- Trao đổi với bác sĩ về tiền sử dị ứng, tình trạng sức khỏe và những vấn đề quan trọng khác của bản thân để đảm bảo an toàn, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến thủ thuật nội soi;
- Bệnh nhân nên giữ tinh thần thoải mái, thư giãn, tránh căng thẳng hay kích động quá mức. Tốt hơn hết, bạn nên đi cùng với người thân hoặc bạn bè.
Xét nghiệm Clo test là kỹ thuật chẩn đoán phát hiện sự tồn tại của vi khuẩn HP trong dạ dày. Tuy nhiên, kết quả của thủ thuật này chủ phản ánh một khía cạnh của tình trạng sức khỏe hiện tại. Do đó, để đảm bảo tính chính xác, bạn cần thực hiện thêm một số xét nghiệm HP khác để tránh tình trạng âm tính/ dương tính giả.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
- Xét nghiệm vi khuẩn HP dương tính là gì? Cần làm gì?
- Các phương pháp xét nghiệm vi khuẩn HP chuẩn nhất 2021
- Nhiễm vi khuẩn HP dạ dày: Dấu hiệu và cách điều trị
- Viêm dạ dày HP – Muốn trị khỏi, cần kiên trì
Tin xem thêm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!