Vi khuẩn HP có trị hết không? Thuốc và phác đồ mới nhất
Nội dung bài viết
Vi khuẩn HP là loại khuẩn phổ biến và rất dễ lây nhiễm. Vi khuẩn HP có thể gây ra các biến chứng bệnh lý dạ dày nguy hiểm như viêm loét dạ dày, hẹp dạ dày và thậm chí là ung thư dạ dày. Vậy điều trị vi khuẩn HP có loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn này ra khỏi cơ thể hay không, cách trị thế nào?
Vi khuẩn HP có trị hết không?
Vi khuẩn HP có tên khoa học là Helicobacter pylori là loại vi khuẩn sinh sống trong môi trường axit của dịch vị dạ dày. Nhiễm khuẩn HP có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm loét dạ dày, hẹp dạ dày, trào ngược dạ dày và ung thư dạ dày.
Mức độ nguy hiểm của vi khuẩn HP còn tăng lên khi vi khuẩn này rất dễ lây từ người sang người thông qua đường nước bọt, qua nội soi, xét nghiệm dạ dày chung dụng cụ không đảm bảo khử khuẩn, qua đường ăn uống và tiêu hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn.
Ngoài ra, người nhiễm vi khuẩn HP có thể không có các biểu hiện triệu chứng lâm sàng, một số dấu hiệu nhiễm khuẩn HP không rõ ràng, giống với biểu hiện của các chứng viêm loét dạ dày thông thường như ợ nóng ợ chua, đau rát vùng thượng vị, buồn nôn và nôn ra dịch dạ dày.
Chính vì vậy, việc điều trị vi khuẩn HP trở nên khó khăn hơn. Nếu người nhiễm khuẩn HP điều trị đúng lộ trình thì có thể loại bỏ được 75 đến 95% vi khuẩn này trong dạ dày.
Việc chữa trị có thể kết thúc khi xét nghiệm không còn vi khuẩn trong cơ thể hoặc lượng vi khuẩn không đủ khả năng gây bệnh. Nói chung, vi khuẩn HP có thể chữa khỏi nếu áp dụng lộ trình điều trị phù hợp.
Cách điều trị vi khuẩn HP hiệu quả hiện nay
Khi có các biểu hiện nhiễm vi khuẩn HP, người bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín để tiến hành xét nghiệm xác định có nhiễm vi khuẩn HP hay không, từ đó áp dụng các phương pháp điều phù hợp.
Chữa trị vi khuẩn HP được chỉ định trong các trường hợp viêm dạ dày, loét dạ dày do vi khuẩn HP gây ra. Sau đây là những cách chữa thường được áp dụng:
Thuốc Tây y điều trị vi khuẩn HP
Dùng thuốc Tây y trị vi khuẩn HP là phương pháp rất phổ biến. Thông thường, việc điều trị theo Tây y dựa trên các nguyên tắc sử dụng thuốc kháng sinh kết hợp với các loại thuốc ức chế tiết dịch axit trong dạ dày, giảm các tổn thương niêm mạc dạ dày do vi khuẩn HP gây ra.
Các nhóm thuốc Tây được sử dụng là:
- Kháng sinh, bao gồm Amoxicillin, Tetracyclin, Clarithromycin, Metronidazole và Tinidazole. Có thể kết hợp 2 loại kháng sinh để tăng hiệu quả điều trị.
- Bismuth subsalicylate có tác dụng khi kết hợp với kháng sinh nhằm tiêu diệt vi khuẩn HP.
- Thuốc kháng Histamine và thuốc giảm lượng axit có trong dạ dày. Nhóm thuốc này giúp tráng men dạ dày, giảm lượng axit trong dạ dày, làm lành các vết loét trong dạ dày.
Phác đồ trị vi khuẩn HP thường có thời gian từ 1 đến 2 tuần, sau khi tiến hành xong phác đồ điều trị, các bác sĩ sẽ xét nghiệm để kiểm tra hiệu quả điều trị và đưa ra hướng giải quyết tiếp theo.
Phương pháp này có thể đem lại hiệu quả nhanh chóng vì dược tính của thuốc Tây mạnh, phát huy công dụng nhanh. Tuy nhiên, sử dụng kháng sinh nhiều cũng có thể dẫn tới hiện tượng kháng kháng sinh và những tác dụng phụ không mong muốn.
Người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc, cần tuân thủ đúng loại thuốc và phác đồ điều trị của bác sĩ. Khi gặp các tác dụng phụ, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để hỏi ý kiến có nên tiếp tục sử dụng thuốc hay không.
Điều trị bệnh bằng thuốc nam
Ngoài phương pháp sử dụng Tây y, điều trị vi khuẩn HP bằng thuốc nam cũng được nhiều người áp dụng. Tuy nhiên, vì dược tính của thuốc nam yếu hơn thuốc tây, nên việc điều trị cần nhiều thời gian hơn.
Phương pháp này chỉ sử dụng khi bệnh ở thể nhẹ và trong các trường hợp: người nhiễm vi khuẩn HP chưa có triệu chứng lâm sàng, chưa gặp tổn thương thực thể như viêm loét dạ dày, đau dạ dày, người chống chỉ định với thuốc Tây và có thể sử dụng sau khi đã điều trị bằng thuốc Tây để ngăn ngừa bệnh tái phát.
Một số cách trị vi khuẩn HP bằng thuốc nam thường được sử dụng là:
- Chè dây chữa nhiễm khuẩn HP
Chè dây chứa nhiều flavonoid và tanin giúp kháng khuẩn, kháng viêm, làm lành vết loét dạ dày, giảm đau, ức chế hoạt động của vi khuẩn. Sử dụng chè dây hàng ngày, pha như pha trà, uống vào sáng sớm trước bữa ăn 30 phút và sử dụng thường xuyên trong ngày. Nên sử dụng lâu dài cho đến khi lành bệnh.
- Lá khôi tía
Lá khôi tía chứa nhiều glucosid và tannin cũng giúp kháng khuẩn, kháng viêm, giảm các triệu chứng ợ nóng ợ chua, giảm tiết axit trong dạ dày. Sắc lá khôi tía với nước uống hàng ngày hoặc có thể kết hợp sử dụng lá khôi tía với nghệ vàng, cam thảo, ý dĩ, phục linh… sắc nước uống cũng đem lại hiệu quả.
- Sử dụng cây dạ cẩm
Cây dạ cẩm có vị đắng, tính bình, được sử dụng để điều trị vi khuẩn HP và các bệnh lý về dạ dày. Các hoạt chất alkaloid, anthraglycosid và saponin trong cây dạ cẩm có thể làm ức chế hoạt động của vi khuẩn HP và các hại khuẩn khác trong dạ dày.
Sử dụng cây dạ cẩm sắc nước uống hàng ngày. Nên sử dụng 2 lần/ngày trước bữa ăn hoặc sau cơn đau dạ dày bùng phát.
Thuốc nam điều trị vi khuẩn HP tương đối an toàn, tuy nhiên vì dược tính yếu nên cần kiên trì sử dụng trong thời gian dài. Nếu trong thời gian điều trị, bệnh không thuyên giảm, người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám tránh các biến chứng xấu có thể xảy ra.
Ngoài ra, nếu như sử dụng thuốc nam kết hợp với thuốc tây điều trị bệnh, bệnh nhân cần có sự tham vấn của bác sĩ để tránh tương tác thuốc.
Bị nhiễm vi khuẩn HP nên ăn gì, kiêng gì?
Việc chữa trị vi khuẩn HP cần dùng thuốc điều trị, tuy nhiên bên cạnh đó cũng cần phải có chế độ ăn uống khoa học để hỗ trợ điều trị bệnh tốt hơn và ngăn ngừa nguy cơ tái phát.
Người bị nhiễm khuẩn HP nên tăng cường sử dụng những thực phẩm sau:
- Bột mì, bột yến mạch và một số loại ngũ cốc tốt cho dạ dày khi hấp thu lượng axit trong dạ dày hiệu quả.
- Bổ sung các loại thịt trắng như thịt gà, thịt gia cầm nhằm giảm chứng khó tiêu, đầy bụng.
- Nên ăn nhiều rau xanh trong bữa ăn như bông cải xanh, rau ngót, hành tây, cần tây.
- Sử dụng các loại trái cây có tính ngọt như chuối, táo, lê, dưa hấu…
- Các loại hạt cũng được khuyến khích sử dụng như đậu xanh, đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành.
Người bị nhiễm vi khuẩn HP nên kiêng những thực phẩm, đồ uống như:
- Không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không sử dụng đồ ăn sống, không đảm bảo vệ sinh.
- Hạn chế đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh nhằm ngăn ngừa đầy hơi chướng bụng.
- Hạn chế trái cây có tính chua như chanh, cóc, xoài…
- Không sử dụng đồ uống có gas, các loại nước ngọt.
- Kiêng hút thuốc lá và các chất kích thích như cà phê, rượu, bia, đồ uống có cồn…
Những lưu ý khi điều trị vi khuẩn HP
Việc điều trị vi khuẩn HP chưa bao giờ là dễ dàng, người bệnh sau khi điều trị khỏi vẫn có nguy cơ tái phát. Vì thế, cần xây dựng một lối sống lành mạnh, ăn uống và nghỉ ngơi khoa học kết hợp với việc điều trị để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Một số lưu ý khi điều trị vi khuẩn HP:
- Cần xét nghiệm vi khuẩn HP để biết chính xác tình trạng bệnh, từ đó có các hướng điều trị phù hợp.
- Kiên trì điều trị theo phác đồ, tránh lạm dụng thuốc hoặc tự ý dùng thuốc.
- Xây dựng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học, tránh căng thẳng, mệt mỏi.
- Phòng ngừa lây nhiễm vi khuẩn HP bằng cách: Không sử dụng chung bát đũa khi ăn, không sử dụng chung bàn chải đánh răng, giữ gìn vệ sinh, sát khuẩn tay thường xuyên và không nên ăn đồ ăn vỉa hè.
Điều trị vi khuẩn HP đúng cách, người bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi và tránh được những biến chứng nguy hiểm do vi khuẩn gây ra. Người bệnh cần có sự tham vấn y khoa của bác sĩ để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Khám phá ngay:
Tin xem thêm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!